Có lẽ, nếu không có buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) sáng 25-11 thì câu chuyện hàng chục hộ dân khu vực Hải An 1 kéo điện đến nhà bằng trụ… tre sẽ không được nhiều người biết đến.
Để chứng kiến tận mắt kiến nghị của cử tri với đại biểu HĐND thành phố, ngay sau buổi tiếp xúc, lãnh đạo Sở Xây dựng cùng phóng viên theo chân người dân về khu dân cư này và chứng kiến những dây điện chằng chịt, được buộc vào những trụ tre cong vẹo, có trụ bị gãy nhưng chưa thay thế. Có đoạn, trụ tre quá thấp, xiêu vẹo do gánh đỡ hàng chục dây điện dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn cho người đi đường và nhân dân sống trong khu vực.
Anh Trang Quang Tuấn, sống ở tổ 93, Hải An 1 cho biết, trụ điện bằng tre được sử dụng để đưa điện đến nhà hàng chục năm qua nhưng không thấy cơ quan chức năng nói gì. Lo nhất là mùa mưa, nước ngập, tre thấm nước sẽ dẫn điện nên người dân rất sợ, nhưng phải sống chung.
Bức xúc quá, một số hộ dân chủ động đúc trụ điện bằng bê-tông để thay trụ tre, nhưng số trụ bê-tông vẫn chưa nhiều. Điều đáng nói là do không có trụ điện theo đúng chuẩn bằng bê-tông nên đồng hồ của người dân mắc cách xa nhà hàng trăm mét, điều này gây ra hao hụt điện năng trong quá trình dẫn điện về đấu nối sử dụng tại nhà. Theo thông tin người dân ở đây cung cấp, thì khu dân cư này nằm trong dự án Làng đại học Đà Nẵng.
Tuy nhiên, dự án này “treo” gần 20 năm qua trong sự chờ đợi mỏi mòn của dân. Điều người dân mong muốn là có sự quan tâm, phối hợp thông tin giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng chuyên môn để hỗ trợ dân kéo dây điện về sử dụng tại nhà bảo đảm an toàn, hạn chế những sự cố đáng tiếc. Mong mỏi nữa là hỗ trợ bóng đèn chiếu sáng để đi lại thuận tiện vào ban đêm và phòng chống tội phạm hiệu quả.
Một câu chuyện khác gây ngạc nhiên không kém được cử tri phản ánh tại buổi tiếp xúc là trạm y tế nói… hết thuốc bảo hiểm y tế. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ bức xúc trước tình trạng này vì trong trường hợp thuốc hết, cán bộ y tế của trạm phải hẹn người dân hôm sau đến lấy chứ không thể để người dân, đặc biệt là người già, lặn lội đến Bệnh viện đa khoa Ngũ Hành Sơn mới được cấp thuốc. Trách nhiệm của cán bộ y tế là phải bảo đảm cơ số thuốc theo đúng quy định để cấp phát cho người dân tham gia bảo hiểm y tế ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu.
Từ hai câu chuyện nói trên, mới thấy bộc lộ những hạn chế, chưa thật sự sâu sát, chưa làm đúng và làm tròn trách nhiệm trước cuộc sống nhân dân của cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong bối cảnh Đà Nẵng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng giữa thành phố lại tồn tại trụ điện bằng tre trong hàng chục năm qua; trạm y tế lại hết thuốc do lỗi của cán bộ y tế… nhưng người dân là người chịu thiệt.
Điều mà thành phố đã và đang làm rất tốt là nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri thông qua việc lắng nghe, giải quyết thấu đáo và kịp thời các kiến nghị, bức xúc của người dân. Cũng thông qua những cuộc tiếp xúc cử tri mà trong thời gian qua, thành phố đã rất nỗ lực, cố gắng giải quyết những bức xúc của người dân, chăm lo công tác an sinh xã hội.
Riêng năm 2014, thành phố giải quyết cơ bản trả nợ hàng ngàn lô đất tái định cư cho dân và xây dựng, sửa chữa hơn 950 căn nhà cho gia đình chính sách, gia đình khó khăn. Thành phố giải quyết tốt công ăn việc làm cho người lao động và xóa nhiều hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố... Tuy vậy, đánh giá khách quan thì vẫn còn những việc thực hiện chưa rốt ráo, hiệu quả chưa cao, khiến cử tri phải kiến nghị nhiều lần.
Không chỉ câu chuyện trụ điện bằng tre và hết thuốc ở trạm y tế đang cần được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương suy ngẫm, mà nhiều vấn đề ở cơ sở cần được các ngành chức năng theo dõi sát sao, giải quyết thấu đáo, chứ không phải để đến khi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội hay HĐND thành phố thì mới được bàn đến, kể cả phản ánh nhiều lần rồi mới giải quyết.
DIỆU MINH