.

Chào năm văn hóa, văn minh Đà Nẵng

.

Hơn 15 năm qua, với hơn 110.000 hộ di dời, giải tỏa, hàng trăm khu dân cư mới hình thành, Đà Nẵng trở thành một thành phố theo hướng đô thị hiện đại, văn minh. Từ chỗ chỉ hơn 400 con đường có tên trước năm 1997, nay đã có gần 1.700 con đường có tên, từ chỗ chỉ là một đơn vị hành chính cấp quận trực thuộc tỉnh, nay trở thành một đô thị lớn, là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tuy nhiên, bất cập lớn là sự mất cân đối trong đầu tư cho kết cấu hạ tầng với đầu tư phát triển văn hóa. Hệ quả dễ thấy là đời sống văn hóa, văn minh có biểu hiện không theo kịp quá trình đô thị hóa. Thiết chế văn hóa nghèo nàn và xuống cấp. Hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật một thời gian dài không được chăm lo đúng mức. Văn hóa đọc có xu hướng suy giảm, thể hiện không chỉ ở sự nghèo nàn của hệ thống các thư viện, mà còn ở sự thờ ơ của xã hội đối với sách.

Tình trạng khạc nhổ, tiểu tiện, xã rác, chửi thề, nói tục, vi phạm trật tự an toàn giao thông… diễn ra khá phổ biến ở một bộ phận dân cư. Tập quán tùy hứng kiểu tiểu nông vẫn còn in đậm ở nhiều vùng. Một số công chức khi giải quyết công việc vẫn chưa thể hiện là công bộc của dân, dù điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện. Một số quan chức chưa thể hiện sự tận tụy phục vụ, vẫn còn những ứng xử trái với thường thức làm môi trường đầu tư giảm tính tích cực.

Hiểu được vai trò đặc biệt của văn hóa, văn minh gắn với bản sắc dân tộc trong việc xây dựng đô thị phát triển bền vững, hài hòa, tại kỳ họp tháng 12-2014, HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định chọn năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, ngày 25-12-2014, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành chỉ thị số 43/CT-TU về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Mục tiêu chính là “tăng cường đầu tư cho văn hóa, xây dựng kỷ cương, trật tự và nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và từng người dân Đà Nẵng”.

Văn hóa gắn liền với văn minh. Văn hóa giúp văn minh có tính định hướng, văn minh bổ sung cho văn hóa tính hiện đại, phát triển. Văn hóa và văn minh đều gắn với hoạt động của con người và là sản phẩm của con người. Hành vi của một người có văn hóa thể hiện năng lực ứng xử của người đó đối với bản thân, gia đình, xã hội và tự nhiên.

Thước đo văn hóa của một đô thị kết tinh những giá trị bền vững được thừa nhận rộng rãi và trở thành chuẩn mực cho xã hội và cho mỗi cá nhân. Có nhiều việc cần phải gấp rút triển khai để thực hiện chủ trương quan trọng này. Có những việc lớn, lâu dài như xác định đặc trưng làm nên phong cách riêng của người Đà Nẵng cho đến những quy định cụ thể về các hành vi phản văn hóa cần phải nhanh chóng loại bỏ trong cuộc sống.

Sàng lọc, chọn lựa và nhất là hệ thống hóa những quy định đã ban hành từ các cuộc vận động đã triển khai (các quy định liên quan đến Luật công chức, quy định về những điều đảng viên không được làm; các kế hoạch triển khai chương trình “5 xây”, “3 chống”, về chương trình xây dựng thành phố “5 không”, “3 có”; các quy định về việc cưới, việc tang…) cho đến xây dựng những quy định mới về ứng xử trong xã hội.

Trước hết và quan trọng nhất là việc tạo nhận thức đúng về tầm quan trọng của năm văn hóa, văn minh thành phố. Mỗi người dân Đà Nẵng, mỗi cán bộ, đảng viên có niềm tin và sự tự hào được làm công dân của thành phố, kể từ đây phải thường trực ý thức góp phần tạo ra một thành phố không chỉ có môi trường sống lành mạnh, mà còn có quan hệ tích cực, nhân văn.

Lòng bao dung, nhân hậu của con người Việt Nam phải được thắp sáng và lan tỏa sâu rộng, đồng thời mạnh dạn nhắm đến những giá trị mà thành phố có thể tiên phong: Đà Nẵng là thành phố đầu tiên không bóp còi xe inh ỏi, là thành phố sạch nhất nước, là nơi có môi trường đầu tư thuận lợi nhất; cán bộ Đà Nẵng là những người không nhận phong bì như một thứ bôi trơn cho một dự án nào đó; chợ ở Đà Nẵng không còn hiện tượng nói thách; đường phố sạch đẹp với cây xanh, bình yên.

Để xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại, có nếp sống văn hóa, văn minh hài hòa và tiên tiến là công việc khổng lồ, đòi hỏi nhiều thập kỷ. Năm 2015 là thời điểm cho một sự bắt đầu mới để thực hiện chủ trương quan trọng này. Tất cả các ngành, các cấp, các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng phải lựa chọn cái chính, cấp thiết và có biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả.

Các cơ quan truyền thông và ngành giáo dục có lẽ là hai ngành quyết định trong việc hình thành ý thức mới cho người dân thành phố. Hãy bắt đầu năm mới bằng quyết tâm mới cho nhiệm vụ cao cả này, trước hết cần “tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và từng người dân Đà Nẵng” 

ĐÀ NẴNG

;
.
.
.
.
.