“Với vai trò là Chủ tịch HĐND thành phố, tôi nhận trách nhiệm của mình về việc để xảy ra việc thừa đất tái định cư (TĐC) trong khi vẫn nợ đất TĐC dai dẳng nhiều năm liền”.
Cử tri theo dõi kỳ họp thứ 11 của HĐND thành phố qua truyền hình trực tiếp rất đồng tình với tinh thần nhận trách nhiệm của người đứng đầu thành phố, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ.
Nợ đất TĐC là điệp khúc dài qua nhiều năm liền gây bức xúc cho người dân trong vùng giải tỏa, tiêu tốn ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ người dân trong vùng giải tỏa thuê nhà chờ bố trí đất TĐC. Sự việc chỉ chấm dứt khi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố đích thân đi thực tế rà soát tại các dự án và phát hiện lượng đất TĐC thừa gấp nhiều lần số đất nợ dân. Tại sao giấu đất? Giấu đất để làm gì? Ai chịu trách nhiệm? Xử lý trách nhiệm thế nào?
Các đại biểu HĐND thành phố đã đem bức xúc của cử tri đặt ra những câu hỏi này tại Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 10 và 11 của HĐND thành phố. Thế nhưng, đến kỳ họp thứ 11 của HĐND thành phố việc này vẫn nợ cử tri thành phố. Tại phiên chất vấn của kỳ họp, các ĐB đã quyết liệt truy đến tận cùng việc này.
Trả lời chất vấn, đại diện lãnh đạo UBND thành phố thừa nhận đã có một thời gian công tác quản lý của UBND thành phố đối với 17 ban quản lý, công ty được giao nhiệm vụ đền bù giải tỏa, bố trí TĐC, không có đơn vị xâu đầu mối. Việc buông lỏng quản lý dẫn đến các ban, công ty này tự tung, tự tác, làm việc tùy tiện và giấu đất gây nên sự thiếu đất ảo nhưng tốn tiền thật hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách thành phố phải bỏ ra để hỗ người dân thuê nhà chờ đất. Cuối năm nay, UBND thành phố sẽ kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Những BQL giấu đất, báo cáo không trung thực cũng sẽ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và báo cáo kết quả xử lý đến HĐND thành phố. Địa chỉ trách nhiệm vẫn chưa rõ. Các ĐB tỏ ý không hài lòng với việc không chi rõ địa chỉ tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm. Có ĐB đặt vấn đề có hay không lợi ích nhóm từ việc giấu đất.
Trước sức nóng của phiên chất vấn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng nợ đất TĐC. Đó là do tổ chức bộ máy các BQL nhiều lần tách, nhập, hoạt động không ổn định. Chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, vừa giải tỏa, vừa đền bù, vừa bố trí hoặc đề nghị bố trí TĐC. Cán bộ các BQL thiếu trách nhiệm, không trung thực khi báo cáo không đầy đủ. Trong khi đó UBND thành phố không lập Trung tâm phát triển quỹ đất theo chủ trương của Chính phủ.
Vai trò của Chủ tịch UBND các quận, huyện rõ nét trong công tác giải tỏa nhưng lúng túng, bị động trong bố trí TĐC. Vai trò thẩm định của Sở Xây dựng không chặt chẽ, Sở Kế hoạch và Đầu tư không sâu sát. Vai trò tham mưu của Văn phòng UBND thành phố không tốt. Cuối cùng là trách nhiệm quản lý, điều hành của UBND thành phố, trách nhiệm giám sát của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND thành phố.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã chỉ rõ các địa chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp và các địa chỉ liên đới chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng thiếu đất ảo nhưng thừa đất TĐC, gây tổn thất ngân sách thành phố. Cử tri thành phố rất hài lòng với kết luận của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố. Cấp dưới làm sai, thiếu trách nhiệm với dân, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về việc quản lý cán bộ, công chức của mình.
Cử tri tin tưởng một khi người đứng đầu thành phố đã dũng cảm nhận trách nhiệm về mình (dẫu rằng vấn đề nợ đất TĐC nảy sinh trước thời điểm ông đảm nhận vị trí người đứng đầu thành phố) thì việc xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan sẽ được thực hiện rốt ráo. Cử tri sẽ được thông tin công khai về kết quả xử lý.
Dư luận cử tri hoan nghênh tinh thần nhận trách nhiệm của người đứng đầu thành phố. Đó là tinh thần không giấu, không sợ khuyết điểm, là tinh thần vì dân, vì sự phát triển của thành phố. Cử tri mong rằng tinh thần này sẽ trở thành văn hóa nhận trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức thành phố với thái độ cầu thị sửa sai, khắc phục khuyết điểm để nảy sinh những vấn đề cử tri bức xúc.
ĐOÀN SƠN