Có con, đó là tất cả hạnh phúc đối với những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Tiền bạc, sức khỏe, thời gian, niềm vui sống, v.v…, mọi thứ dường như đều sẵn sàng đánh đổi và hy sinh chỉ để có được con. Có mòn mỏi chờ con, có đi từ hy vọng này đến… thất vọng khác trên hành trình tìm một mụn con thì mới hiểu nỗi khổ sở của những người vô sinh, hiếm muộn.
Thật khó nói hết những chờ mong, áp lực của những người trong cuộc, và càng không thể nói hết cảm giác vỡ òa vui sướng khi cuối cùng họ cũng được lên chức bố, mẹ như hằng mơ ước. Hình ảnh giọt nước mắt lăn dài trên má của sản phụ khi cúi nhìn đứa con bé nhỏ - thành quả từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi sáng qua (25-12) có lẽ mãi là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời người mẹ hạnh phúc này.
Nhu cầu điều trị vô sinh, hiếm muộn hiện nay rất lớn. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn. Có người chờ con 1 năm, nhưng cũng có người mong con đến hàng chục năm. Thống kê từ 140 trường hợp chọc hút trứng để điều trị vô sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho thấy, số năm trung bình mong con là trên dưới 5 năm, trong đó có người đã đợi suốt… 25 năm! Nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh, trong đó nhiều nhất vẫn là bất thường tinh trùng và tắc vòi trứng.
Mong có con không chỉ là áp lực khủng khiếp đối với các cặp vợ chồng, mà có khi còn trở thành áp lực với cả dòng họ. Việc Bệnh viện Phụ sản - Nhi có thể hoàn toàn chủ động thực hiện toàn bộ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) như hiện nay không chỉ là bước tiến của ngành y tế Đà Nẵng, mà còn là cánh cửa mở ra hy vọng cho nhiều gia đình. Điều đặc biệt mà phương pháp này mang lại là có thể điều trị được những trường hợp nặng như nam giới không có tinh trùng do tắc nghẽn, phụ nữ tắc ống dẫn trứng hai bên, bất thường thụ tinh và nhiều trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân.
Trước đây, khi Đà Nẵng chỉ là vệ tinh trong lĩnh vực TTTON của Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh), bệnh nhân muốn áp dụng phương pháp tiên tiến này phải di chuyển đến các thành phố lớn để thực hiện việc điều trị. Cụ thể, bệnh nhân được khám, chẩn đoán và kích thích buồng trứng tại Bệnh viện Đà Nẵng, sau đó được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ để chọc hút trứng và chuyển phôi. Sau khi chuyển phôi, bệnh nhân sẽ trở về theo dõi kết quả và thai kỳ tại bệnh viện Đà Nẵng.
Tuy nhiên, từ tháng 3 năm nay, khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã có phương tiện, nhân lực và kỹ thuật hoàn chỉnh để xử lý toàn bộ quy trình TTTON. Điều này đồng nghĩa bệnh nhân trên địa bàn thành phố không phải đi xa điều trị, và thậm chí Đà Nẵng còn trở thành một điểm thu hút bệnh nhân có nhu cầu chữa vô sinh, hiếm muộn từ các tỉnh khác đổ về. Chi phí một ca hiếm muộn, vô sinh gồm chi phí máy móc từ 18-20 triệu đồng và tiền thuốc trung bình khoảng 50 triệu đồng, tùy theo thể trạng bệnh nhân.
PGS,TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em cho biết, 30 năm trước, em bé đầu tiên trên thế giới đã ra đời bằng TTTON. Em bé ấy giờ đây trở thành một bà mẹ và có sức khỏe bình thường như bao phụ nữ khác. Đến nay, thế giới đã chứng kiến 5 triệu em bé chào đời bằng TTTON. Tại Việt Nam, từ khi áp dụng phương pháp này vào năm 1998, đến nay đã có 20.000 trẻ em ra đời.
Niềm vui không chỉ đến với các gia đình hiếm muộn, mà với người được gọi là “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực TTTON như GS,BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, mỗi giây phút đón bé trên tay là mỗi niềm hạnh phúc đong đầy. Từ những ngày đặt nền móng đầu tiên cho lĩnh vực TTTON tại Việt Nam, đến hôm nay, khi chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi và tham gia trực tiếp đón bé ra đời, bà vẫn vẹn nguyên cảm xúc như lần đầu. Bà cười rạng rỡ và mãn nguyện.
Ngày 25-12, Đà Nẵng vui mừng đón 3 em bé đầu tiên chào đời bằng TTTON. Niềm vui sẽ còn được nhân lên trong những ngày sau nữa, khi tiếp nối những em bé này là nhiều em bé khác đang đợi ngày chào đời.
TOÀN VÂN