.

Môi trường!

Có lẽ không có kỳ họp nào của HĐND thành phố Đà Nẵng từ trước đến nay mà vấn đề môi trường không là một trong những nội dung gây nhiều bức xúc và quan tâm đối với cử tri thành phố.

Kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) khai mạc hôm qua, đây cũng là chủ đề nổi cộm bên cạnh những thách thức về sản xuất, dịch vụ, nhà chung cư, thu ngân sách… Trong tài liệu trả lời ý kiến cử tri được công bố trước đó và các bài viết, phóng sự trên báo chí, truyền hình về những điểm nóng do ô nhiễm, ngập nước, xả nước thải ra biển, ra sông cũng được đông đảo người dân quan tâm.

Theo báo cáo tại kỳ họp, trong năm 2014, Thường trực HĐND thành phố đã tiếp nhận, xử lý 3.150 thông tin phản ảnh của người dân qua đường dây nóng. Trong các thông tin phản ánh nêu trên, ô nhiễm môi trường và những vấn đề có liên quan đến môi trường chiếm phần quan trọng.

Báo cáo cũng cho biết, có trên 80% thông tin phản ánh của người dân là có cơ sở và điều này cho thấy: Tiếng nói người dân với môi trường sống đô thị là tiếng nói có trách nhiệm, thể hiện sự lo toan của họ với “thành phố đáng sống” và cũng là mong đợi của họ trước những chậm trễ, thiếu sâu sát của các đơn vị, tổ chức có trách nhiệm. Đó là một “tỷ lệ vàng” mà theo chúng tôi, lãnh đạo và các đại biểu nhân dân cần lấy đó làm tự hào bởi người dân không quay lưng với sự nghiệp xây dựng thành phố, còn tin tưởng vào trách nhiệm của những người mà họ đã phó thác.

Đơn cử như ngập úng tại các khu vực tổ 1 đến tổ 14, phường Thanh Khê Tây, khu vực đường Nguyễn Đình Tựu - Nguyễn Phước Nguyên; đường Hà Huy Tập đoạn trước trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ và lân cận; các cống thoát nước ra biển Mỹ Khê, ô nhiễm sông Phú Lộc kéo dài…Sau khi được người dân có ý kiến, UBND thành phố đã chỉ đạo kiểm tra, công bố nguyên nhân và giải pháp; đồng thời giao cho các đơn vị trực thuộc tiến hành giải quyết theo thời hạn rõ ràng trong năm 2015…

Người dân hoan nghênh thái độ nhanh chóng tiếp thu, trả lời và xử lý của các cơ quan công quyền, ban ngành chức năng đối với các ý kiến đã nêu. Tuy vậy, câu chuyện môi trường không chỉ là những điểm ngập nước, ô nhiễm rác, nước như đã nêu. Nếu ai có dịp đi bộ qua những cây cầu đẹp của Đà Nẵng, như Cầu Rồng, Trần Thị Lý, Nguyễn Tri Phương mỗi sáng, chắc cũng chứng kiến cảnh bao nylon, vỏ bia, ly cốc bằng nhựa vứt bừa bãi hoặc đất cát đổ tung tóe.

Tất cả là do những bạn trẻ chơi đêm thiếu ý thức; do các lái xe chạy quá tải ban đêm xả ra. Ô nhiễm môi trường còn là mùi hôi từ các cống rãnh, nơi các bãi rác chậm thu gom, bụi và khói xe thải ra trên đường… Đó còn là tiếng ồn của còi ô-tô, còi xe máy, tiếng nổ của các lọa động cơ xe máy xoáy nòng, loa phát thanh từ các nhà hàng…

Tất cả những dẫn dụ đó, chắc chắn sẽ không tài nào xử lý hết nếu thiếu sự tự giác của từng người dân, sự nghiêm minh của các cơ quan thi hành pháp luật… Cần có một thông điệp từ HĐND, cần có thêm nhiều diễn đàn về môi trường hoặc các tọa đàm, tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân về chủ đề này của nhà chức trách.

Tại diễn đàn HĐND và cơ quan công luận, cử tri mong rằng khi đã tiếp nhận thông tin, đã kiểm tra, đã hứa giải quyết thì các cơ quan chức năng “đã hứa với dân thì phải làm!” như Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đã phát biểu. Bởi có nhiều điểm nóng về môi trường đã kéo dài qua nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Có lúc người lãnh đạo cơ quan tham mưu về tài nguyên, môi trường hoặc xây dựng cũng chưa nắm được do thiếu sâu sát.

Giải quyết căn cơ và đầy trách nhiệm các vấn đề môi trường cho Đà Nẵng, từ diễn đàn HĐND, đến người lãnh đạo các cơ quan chức năng và người dân trong một mối liên kết thường trực, đồng thuận và trách nhiệm cao… sẽ tạo ra cho thành phố một hình mẫu. Theo tôi, đây cũng là bước đi đột phá  trong việc xây dựng một “thành phố môi trường, thành phố đáng sống” mà Đà Nẵng đang theo đuổi.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.