Theo kết quả thống kê dân số và nhà ở giữa kỳ vừa được Tổng cục Thống kê thông báo, nước ta tiếp tục ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi dân số dưới 15 tuổi đạt 23,5%, tỷ trọng dân số hơn 65 tuổi đạt mức 7,1%, hệ số phụ thuộc chung là đạt 44%.
Theo ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, dân số vàng có nghĩa là 2/3 người dân trong độ tuổi lao động, 1/3 người phụ thuộc là trẻ em và người hơn 65 tuổi. Đây là thời gian cần tận dụng tối đa để chuyển từ quốc gia có mức thu nhập thấp, sang thu nhập trung bình và sang thu nhập cao. Việt Nam đạt ngưỡng dân số vàng từ năm 2009; theo tính toán của các chuyên gia, thời kỳ dân số vàng kéo dài đến 30 năm.
Việt Nam còn đến 25 năm để tận dụng ưu thế này nhằm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, có sự đầu tư đúng hướng, đặc biệt là đề cao vai trò của giáo dục-đào tạo, xây dựng đội ngũ lao động có trình độ và tay nghề cao, chăm sóc y tế, sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trước khi dân số bước vào ngưỡng già hóa. Trong khi đó, số liệu công bố cũng cho thấy Việt Nam đang có xu hướng già hóa nhanh chóng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,1% tổng dân số và chỉ số già hóa là 44,6%.
Điều quan trọng là bên cạnh cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ gia tăng dân số giảm…, nước ta đang đối diện với dân số đông (vượt 90,49 triệu người), chất lượng cuộc sống chưa cao với mức thu nhập còn thấp, tỷ số giới tính khi sinh đã lên tới 112,2 bé trai/100 bé gái (cao hơn Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái)… Cùng với đó, vẫn còn 43,7% hộ sống trong nhà bán kiên cố, 5,9% hộ có nhà thiếu kiên cố và 3,7% hộ có nhà đơn sơ…
Chính từ những con số công bố đó cho thấy, cùng với việc tận dụng cơ hội dân số vàng để thúc đẩy phát triển kinh tế, thì phải giải quyết những thách thức không nhỏ trong vấn đề xã hội, trong đó quan trọng nhất là nâng cao chất lượng dân số trên nhiều mặt. Việc nâng cao chất lượng dân số không chỉ nằm ở sức khỏe, sức khỏe sinh sản mà còn ở việc giáo dục-đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức thụ hưởng văn hóa tinh thần… cho người dân. Cùng với cơ cấu dân số hợp lý là phân bổ dân số phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của từng vùng miền, địa phương; tạo sự cân bằng tương đối trong phát triển.
Từ góc nhìn này, những năm qua, Đà Nẵng đã tích cực thực hiện các chính sách hợp lý về dân số; trong đó luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xem đây là mục tiêu hướng đến của Đảng và chính quyền các cấp. Các chính sách về dân số được thực hiện đồng bộ từ chăm sóc sức khỏe sinh sản, y tế đến phát triển kinh tế, đào tạo lao động, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội…
Cùng với việc mở rộng không gian đô thị, triển khai các chính sách hạn chế nhập cư vào các quận nội thành…, thành phố thực hiện phân bổ dân cư hợp lý để triển khai các chính sách về dân số, đào tạo nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao, giải quyết việc làm, xây dựng mức chuẩn nghèo và thực hiện các chính sách giảm nghèo phù hợp. Dân số thành phố cũng được quy hoạch trong từng giai đoạn, với mức dân số đạt khoảng 1,2 triệu người trong năm 2015.
Mới đây, thành phố cũng đã quyết định đầu tư hợp lý và thích đáng cho văn hóa nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân, bên cạnh việc nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống vật chất. Đây chính là bước cơ bản để phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân một cách toàn diện.
Vì vậy, từ các con số thống kê, điều quan trọng hơn chính là xây dựng các chính sách phù hợp, từ phát triển kinh tế-xã hội đến quốc phòng-an ninh, để bảo đảm người dân ngày càng được nâng cao mức thu nhập và hưởng thụ văn hóa một cách tốt nhất. Đó là mục tiêu cao nhất trong nâng cao chất lượng dân số - đích hướng đến của các chiến dịch hưởng ứng “Ngày Dân số Việt Nam” và Tháng hành động quốc gia về dân số hằng năm ở nước ta.
ANH QUÂN