GS Trần Ngọc Thêm, trong chương trình giảng dạy Văn hóa học cho rằng, văn hóa thường được xem bao gồm tất cả những gì do con người sáng tạo ra.
Ông dẫn chứng: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ phục vụ sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng.
Toàn bộ sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.
Theo Federico Mayor, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Cách hiểu này đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa năm 1970 tại Venise”.
Tuyên bố Mexico năm 1982 của UNESCO đã khẳng định: Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội.
Văn minh đô thị, vì vậy được xem như cách sống, cách ứng xử có văn hóa của cộng đồng cư dân (trong đó có chính quyền) của một đô thị, bao gồm cả việc ứng xử với các di sản mà tiền nhân, lịch sử để lại… Văn minh một đô thị trước hết phải phát triển trên nền tảng văn hóa mang tính lịch sử và đặc sắc bản địa thì mới tạo được gốc rễ bền chặt để vươn tới tầm hiện đại. Nếu không, sẽ rơi vào chỗ lai căng, mất gốc như một cá thể lớn lên, tuy có thành đạt mà không rõ ngọn nguồn, quê quán, ông bà, cha mẹ… thì sự thành đạt đó sẽ rất mong manh!
Dẫn lại những tài liệu mang tính hàn lâm đó để thấy rằng, nhiều lúc ta cứ nói “văn hóa” này kia, nhưng lại chưa hiểu thấu đáo nó là gì, thành ra chủ quan, phiến diện.
Khi nói về “Năm văn hóa - văn minh đô thị 2015” của thành phố Đà Nẵng, ta hiểu rằng đây là thời điểm quyết liệt, chú trọng những chủ trương, quyết sách ưu tiên tạo chuyển biến cho những chương trình hoạt động, ứng xử của thành phố về lâu dài, tạo ra sự cân bằng và bền vững trong phát triển.
Điều đó chắc chắn sẽ được đông đảo dân chúng, các giới hoan nghênh và hưởng ứng. Vì vậy, trong bài viết này, tôi có vài đóng góp như sau:
Trước hết, Đà Nẵng mãi mãi vẫn là cửa ngõ của xứ Quảng, là mặt tiền đối ngoại và phát triển của một vùng đất mang tính thủ phủ đàng Trong từ thời chúa Nguyễn. Vùng đất đó tạo ra những thế hệ cư dân có ứng xử riêng, độc đáo, đồng thời thừa hưởng những giá trị văn hóa của các lớp cư dân trước đó. Đà Nẵng cũng là cửa ngõ hướng biển và tiền đồn để người Quảng cũng như cả nước đứng lên chống ngoại xâm, giành thắng lợi trong hai thế kỷ 19, 20.
Trong thời gian thuộc địa, cùng với Hội An, Đà Nẵng là nơi hội tụ những tinh hoa trí thức của khu vực miền Trung và cả nước; họ để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử và dân tộc. Mặc dù ngày nay, do phân định ranh giới hành chính theo nhu cầu quản lý đất nước, Đà Nẵng trở thành một đô thị riêng biệt, nhưng về mặt văn hóa, nó không thể tách rời những di sản như đã nói.
Cho nên, những giá trị văn hóa liên quan là phần cốt lõi không thể thiếu, không thể đánh mất. Ứng xử với những di sản đó (quy hoạch, xây dựng, trùng tu hay phát triển…) là những động thái không dễ dàng và rất nhạy cảm mà chúng ta cần quan tâm. Ứng xử văn minh đối với một đô thị như vậy cần phải nâng niu, gìn giữ và phổ biến những giá trị lịch sử và những di tích liên quan chứ không chỉ đặt tên cho những con đường là đủ.
Một cộng đồng cư dân đô thị như Đà Nẵng có nếp sống văn minh, bên cạnh niềm kiêu hãnh với những gì tiền nhân để lại, còn phải xây dựng được thói quen ứng xử mà xã hội đô thị đòi hỏi trong thời hiện đại, từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Nó vừa phù hợp với luân thường đạo lý dân tộc, biết kính trên nhường dưới, không tham lam vụ lợi, tranh giành bất chính mà còn phải giàu lòng vị tha, biết sống vì cộng đồng và tha nhân trong từng hành xử mỗi ngày.
Mỗi cá nhân sẽ biết yêu Tổ quốc hay quê quán của mình bắt đầu từ tình yêu thương cha mẹ, gia đình… Điều này liên quan đến các chương trình giáo dục ở nhà trường, trong mỗi gia đình. Một chính quyền đô thị như Đà Nẵng sẽ có những động thái nào để tác động đến một lĩnh vực rộng lớn như vậy là điều không dễ dàng…
Sau hết là một hệ thống tổ chức quản lý và nhân sự nhằm thực hiện chủ trương to lớn và lâu dài này. Tôi thấy, một hệ thống quản trị và triển khai các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nói chung của một địa phương bao giờ cũng là khuôn mẫu chung của cả nước như hiện nay. Vừa cồng kềnh, hành chính hóa, vừa chồng chéo nhưng lại thiếu hiệu quả.
Thành phố Đà Nẵng có sáng kiến nào khác không? Đó là một câu hỏi cần suy xét cặn kẽ! Về nhân sự, chúng ta lại thiếu những chuyên gia được đào tạo chuyên sâu, hiểu biết thấu đáo các lĩnh vực văn hóa và có bản lĩnh nghề nghiệp nhằm điều hành bộ máy theo từng cấp, nên lắm khi hoạt động văn hóa lại mang màu sắc chính trị đơn thuần hoặc tùy thuộc vào ý kiến chủ quan của các nhà lãnh đạo, mà đôi khi hiểu biết về các vấn đề văn hóa còn hạn chế…
Tóm lại, tiếp cận và thực hiện những vấn đề thuộc văn hóa - văn minh đô thị từ nay là công việc không dễ dàng và càng rất khác với những lĩnh vực có thể định lượng khác trong đời sống xã hội. Do đó, hãy bắt đầu từ nhận thức và đồng thuận trong nhận thức. Đó cũng là đặc điểm nổi trội mà Đà Nẵng đã gầy dựng lâu nay!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG