Nói gì thì nói, tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng là “món hàng” được mua bán bằng tiền. Theo lẽ thường, người mua là “thượng đế”, còn người bán là đối tượng phải tìm mọi cách lấy lòng khách hàng để bán được món đồ đó.
Thế nhưng, với thực tế mua bán BHYT, cụ thể là BHYT bắt buộc hộ gia đình như hiện nay, thực sự chưa biết ai mới là “thượng đế”!
BHYT bắt buộc hộ gia đình có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Điều này đồng nghĩa mọi người, mọi nhà phải mua BHYT theo hình thức mới. Kết quả theo lý thuyết là ai ai cũng sẽ có BHYT từ quy định này. Quy định thì tốt đẹp, nhưng để thực hiện sự tốt đẹp đó, người mua BHYT trải qua không ít… gian truân.
Cái khó đầu tiên là người mua phải chứng minh cho được rằng, bản thân mình có đủ điều kiện được mua. Nếu không, họ sẽ không được mua, dù có tiền và thật lòng muốn mua. Đáng nói, không sở hữu món hàng đó thì quy ra luật là họ… phạm pháp (vì luật quy định mua theo hình thức bắt buộc).
Điều oái ăm này lại đang diễn ra trong quá trình mua BHYT bắt buộc hộ gia đình. Mấy hôm nay, chuyện người tham gia BHYT đến các đại lý thu và phải mất thời gian “đôi co” để đòi quyền được mua diễn ra thường xuyên, liên tục. Một người photo giấy tờ cần thiết của 2 thành viên đang có mặt trong nhà để đến UBND phường mua BHYT.
Đến đây, chị này được yêu cầu phải có đủ bản sao giấy tờ của tất cả thành viên còn lại có tên trong sổ hộ khẩu (6 người). Ngặt cho chị là những người cần được bổ sung thủ tục hiện làm ăn rất xa. Việc của chị bây giờ là phải liên lạc với những người ở xa đó để thuyết phục họ cùng mua một lúc, hoặc nếu họ đã mua rồi thì photo BHYT chuyển về cho chị theo đường bưu điện. Không làm như thế, chị sẽ không đủ điều kiện hợp lệ mua BHYT.
Chuyện của người phụ nữ này chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị ách tắc việc mua BHYT, do gặp rắc rối chứng minh tính hợp lệ của người tham gia theo quy định mới. Nhiều người không phải bỏ công “truy tìm” thân nhân như chị này, nhưng cũng phải mất nhiều lần đi lại mới hoàn tất được một thủ tục.
Ngay cả cán bộ phụ trách phục vụ việc bán thẻ BHYT còn chưa kịp nắm “cách bán mới”, bởi luật được hướng dẫn, triển khai quá trễ, thì làm sao tránh khỏi việc người dân không biết cách mua đã thay đổi và cần có bao nhiêu giấy tờ mới gọi là đủ. Lo là không ít người mua BHYT không giữ được bình tĩnh nên có lời lẽ thể hiện sự bức xúc đối với cán bộ đại lý thu.
Suy cho cùng, sự rối rắm trong chuyện mua bán BHYT bắt buộc hộ gia đình hiện nay xuất phát từ chỗ chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai luật về các địa phương diễn ra… sau khi luật đã chính thức có hiệu lực. Lẽ ra quy trình phải ngược lại.
Nghĩa là cán bộ trực tiếp thực thi luật này ở địa phương phải nắm rõ, nắm chắc và được chỉ đạo áp dụng cụ thể trước khi luật đi vào cuộc sống. Ngày luật chính thức có hiệu lực thì công việc cứ thế được thực hiện theo quy định. Có đồng thuận, có không đồng thuận, nhưng không có chuyện bị sốc trước sự thay đổi đột ngột.
Một điều nữa khiến nhiều người dân không chỉ bức xúc mà còn cảm thấy buồn, là họ không được chuẩn bị tâm lý hay tiền bạc cho cách mua BHYT mới. Rất nhiều đại lý thu chia sẻ, khách của họ là người có cuộc sống chạy ăn từng bữa.
Có người phải vay mượn mới có đủ tiền kịp mua BHYT đúng hạn. Đợi chồng đi chuyến biển về, hay đến ngày nhận lương họ mới có thể trả nợ. Khi được tư vấn về hình thức mua BHYT bắt buộc hộ gia đình, những người này đều hiểu rằng cách mua mới “khuyến mãi” nhiều hơn, tổng số tiền bỏ ra mua BHYT cho cả nhà giảm hơn trước đây.
Nhưng điều đó dường như không mấy quan trọng khi họ đang khó khăn không đủ sức đột ngột nộp một lúc cho cả nhà. Cái họ cần là sự thông báo sớm để tính cách “xoay tiền”, không phải là kiểu đến nơi đăng ký mới biết… tiền mình thiếu nhiều đến vậy.
TOÀN VÂN