Vi khuẩn listeria monocytogenes có trong táo mang nhãn hiệu Granny và Gala xuất xứ từ Mỹ có thể xâm nhập vào máu gây tình trạng nhiễm trùng máu hoặc lan sang cả hệ thần kinh trung ương và não bộ gây viêm màng não.
Đó là cảnh báo phát đi từ chính các cơ quan cảnh báo sức khỏe của Mỹ khi phát hiện vi khuẩn này có trong táo gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Điều lo lắng là trên thị trường Đà Nẵng theo ghi nhận của Báo Đà Nẵng chiều 22-1-2015 là vẫn xuất hiện loại táo mang hai nhãn mác trên, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ nguồn gốc, xuất xứ và thông báo công khai để người dân cảnh giác.
Người dân hoang mang vì chưa biết chính xác đó là táo nhập khẩu từ Mỹ hay là quốc gia khác nhưng gắn mác Mỹ để nâng giá bán, lừa người tiêu dùng. Nhưng hơn hết, điều trông chờ lớn nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý thực phẩm phải nhanh chóng lấy mẫu kiểm nghiệm và triệt để thu hồi nếu đúng là táo nhiễm độc đã được cảnh báo không nên sử dụng.
Có một thực tế là lâu nay khi trái cây Trung Quốc núp dưới thương hiệu trái cây Thái Lan và Việt Nam khi phát hiện sử dụng hóa chất cấm, không bảo đảm an toàn bị người tiêu dùng trong nước tẩy chay thì một bộ phận người dân sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn hơn để mua trái cây nhập từ Úc, Mỹ, New Zealand...
Họ tin rằng, ở những quốc gia này, vấn đề kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện nghiêm ngặt hơn. Câu chuyện táo Mỹ nhiễm độc cho thấy mức độ nguy hiểm và khó kiểm soát từ nguồn thực phẩm nhập vào Việt Nam đang gây bức xúc cho người tiêu dùng. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm và hiểm họa mắc bệnh ung thư liên tục được cảnh báo từ những hóa chất độc hại có trong thực phẩm khiến người dân ngày càng sụt giảm niềm tin.
Liên tiếp những năm gần đây, thông tin liên quan đến các chất nguy hại có trong thực phẩm liên tục trở thành vấn đề người dân quan tâm đặc biệt. Có thể liệt kê như Melamine trong sữa và các sản phẩm từ sữa; DEHP dùng làm chất tạo đục; kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cầm; 3-MCPD có trong nước tương; các chất tăng trọng, tạo nạc ở lợn; hóa chất không rõ nguồn gốc làm thịt thối rữa trở thành thịt tươi; hóa chất nhuộm màu gia cầm…
Ngay cả cơ quan quản lý cũng thừa nhận rất khó kiểm soát tất cả những chất nguy hại có thể có trong thực phẩm với số lượng hóa chất và nguyên phụ liệu không nguồn gốc, xuất xứ, bày bán tràn lan trên thị trường như hiện nay.
Vấn đề đặt ra là khả năng kiểm nghiệm để phát hiện hóa chất độc hại, từ đó đưa ra cảnh báo cho người dân của nước ta vẫn còn hạn chế. Phần lớn các phương tiện kiểm nghiệm hiện có chủ yếu kiểm soát các đối tượng nhắm đến, chứ chưa cho phép nhận diện thêm các chất lạ khác không nằm trong tầm nhắm. Điều đó dẫn đến sự bị động và phải phụ thuộc vào cảnh báo từ bên ngoài mỗi khi xuất hiện những sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm trong khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đang cận kề cũng là lúc thực phẩm nhập khẩu cảnh báo nhiễm độc và liên tiếp phát hiện nhiều loại thực phẩm trong nước không bảo đảm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do vậy, một trong những nội dung quan trọng trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ mới đây là yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Các lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc... Hy vọng, sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt trong xử lý vi phạm của cơ quan chức năng trong thời gian này sẽ giúp người dân bớt lo lắng “ăn gì cũng sợ” khi đón mùa xuân mới.
DIỆU MINH