Giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ phải trở thành ý thức thường trực, là điều thiêng liêng trong mỗi người dân Việt Nam.
Đó chính là tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới” vừa ban hành.
Chỉ thị yêu cầu phải huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp và toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Theo đó, công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, thềm lục địa phải đạt mục tiêu nhận thức mỗi người dân đều có quyền và nghĩa vụ tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bên cạnh các lực lượng chuyên trách: Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư....
Đã tròn 41 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và cách đây 27 năm họ tiếp tục dùng vũ lực cưỡng chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta. Từ đó đến nay, Nhà nước ta liên tục duy trì các hoạt động quản lý, đồng thời tổ chức đấu tranh đòi lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng phù hợp với luật pháp quốc tế và cách ứng xử văn minh của thế giới hiện đại. Chúng ta luôn có niềm tin chiến thắng vì công lý, dư luận ủng hộ quốc tế thuộc về Việt Nam. Dẫu biết rằng cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn nhưng chúng ta không bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, mỗi người một công việc nhưng đều có thể thực hiện được nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ theo cách phù hợp với công việc của mình. Việc tổ chức lập nghiệp đoàn nghề cá với các tổ, đội đoàn kết trên biển của ngư dân vừa là mô hình ngư dân tương trợ lẫn nhau trong hoạt động khai thác hải sản, vừa khẳng định chủ quyền của đất nước mình. Mỗi con tàu của ngư dân trên vùng biển là một cột mốc chủ quyền.
Đây cũng là mô hình hiệu quả của ngư dân Đà Nẵng trong nhiều năm qua đã góp phần cùng với các lực lượng chuyên trách bảo vệ chủ quyền vùng biển. Mỗi người tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn biên phòng, xây dựng văn hóa biển cũng là một nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Xây dựng và đưa vào giảng dạy nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia vào chương trình giảng dạy học sinh-sinh viên từ bậc THPT đến đại học là một chiến lược bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lâu dài.
Mỗi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ phải hiểu rõ lịch sử thụ đắc lãnh thổ và thực thi chủ quyền một cách hòa bình của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Những người trẻ đều phải thuộc nằm lòng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là sự thật, là chân lý không bao giờ đổi thay.
Thực hiện tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công tác tuyên truyền phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần và sức mạnh đoàn kết dân tộc của người Việt Nam trong và ngoài nước vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Công tác tuyên truyền cần phải làm cho dư luận quốc tế, các nhà nước và nhân dân trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta. Cần phát huy bài học kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong quá khứ. Đó là kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa và dư luận ủng hộ của thế giới đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại Hoàng Sa và quản lý trọn vẹn Trường Sa.
HOÀNG ANH