Dư luận nhân dân thành phố Đà Nẵng rất đồng tình với quyết định của lãnh đạo thành phố về việc dừng dự án xây dựng công trình “hải đăng trên sông Hàn”. Đó là quyết định đúng đắn sau khi có dư luận báo chí phản ánh những ý kiến phản biện của các chuyên gia, người dân về quy hoạch và kiến trúc đối với dự án này.
Quyết định dừng dự án cho thấy thái độ của lãnh đạo thành phố rất cầu thị tiếp thu các ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm của người dân, các nhà chuyên môn và các cơ quan báo chí cả về góc độ tình cảm lẫn góc độ chuyên môn đối với dự án này. Dư luận đánh giá cao việc dừng dự án ở giai đoạn ý tưởng và nghiên cứu là quyết định sáng suốt.
Có ý kiến cho rằng: May thay, nếu không có ý kiến phản biện trên báo chí, nếu không có quyết định sáng suốt của lãnh đạo thành phố, dự án sẽ triển khai xây dựng thực tế. Như vậy thì những dự báo lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của công trình đến quy hoạch cảnh quan đô thị thành phố cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến thủy văn của sông Hàn sẽ thành hiện thực.
Vấn đề đặt ra là những dự án lớn như vậy lại không qua sự phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia và ý kiến của nhân dân dưới sự chủ trì của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
Theo Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội có quyền giám sát và phản biện xã hội đối với: Các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước, trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia.
Lãnh đạo Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố cũng ngạc nhiên vì thông thường đại diện cơ quan này hay được mời dự để phản biện các dự án, chương trình vì có thế mạnh với đội ngũ các chuyên gia có chuyên môn sâu. Thế nhưng lần này nghe nói đến ngày đó (trước một ngày lãnh đạo thành phố quyết định dừng dự án), ngành chức năng thành phố sẽ họp có quyết định đối với dự án này mà không được mời.
Cách đây chưa lâu, ngày 8-4-2014, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã quyết định tổ chức phản biện đối với dự án “Cầu đi bộ qua sông Hàn”. Sự kiện được dư luận đánh giá Đà Nẵng là địa phương sớm chủ động đưa Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống.
Hội nghị này đã thu thập được nhiều ý kiến phân tích rất khoa học, tâm huyết, đầy trách nhiệm. Trong đó có ý kiến chỉ ra rằng phần đảo nổi giữa sông của cầu đi bộ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy của sông Hàn. Cầu đi bộ qua sông Hàn có thực sự là nhu cầu của người dân Đà Nẵng hay phục vụ cho tổ chức nào?
Những câu hỏi, những vấn đề dự báo về ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch cũng như thủy văn đối với dự án “Cầu đi bộ qua sông Hàn” nay lại đặt ra với dự án “Hải đăng trên sông Hàn”. Nhưng lần này là sự chủ động phản biện của báo chí. Dù hình thức phản biện nào đi nữa, may thay lần này dự án này cũng bị dừng đúng lúc.
Qua sự việc này, vấn đề đặt ra là cần phải nhận thức chủ trương về giám sát và phản biện xã hội đã có trong nghị quyết của Đảng, được thể chế hóa tại Điều 9 của Hiến pháp 2013, được cụ thể hóa tại Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Phản biện không có nghĩa là cứ có phản biện là dự án phải dừng. Phản biện để ngăn những dự án sẽ gây hậu quả tiêu cực trong tương lai.
Phản biện để bổ sung, hoàn thiện những điểm có khiếm khuyết và tạo được sự đồng thuận cao đối với các dự án xuất phát từ đòi hỏi của sự phát triển để phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Phản biện thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Phản biện giúp không để lại những hậu quả tiêu cực mà thế hệ sau phải giải quyết.
Các cơ quan chức năng - đối tượng được phản biện, cần chủ động đặt hàng phản biện với thái độ cầu thị. Đồng thời, chủ thể phản biện là Mặt trận và các đoàn thể thành viên cũng cần chủ động thể hiện quyền được phản biện trong phạm vi quy định tại Quyết định 217-QĐ/TW.
HOÀNG ANH