.

Lạm thu một chiều!

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng giá dầu thô lao dốc, giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm với mức độ lớn. Nhưng bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đồng thời quyết định tăng mạnh thuế nhập khẩu.

So với thời điểm trước khi dầu thô rớt giá, riêng mặt hàng xăng thì thuế nhập khẩu đã điều chỉnh tăng gần gấp đôi, từ 18% lên 35% (dầu hỏa, mazut cùng tăng lên 35%, dầu diesel lên 30%).

Như vậy, nếu tính cả thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế VAT 10%, phí môi trường, quỹ bình ổn, lợi nhuận định mức… thì mỗi lít xăng tại Việt Nam hiện phải cõng tất tần tật 4 loại thuế + 3 loại phí, tổng cộng hơn 60% so với giá cơ sở! Nếu so sánh giá xăng ở Mỹ hiện nay khoảng 12.500 đồng/lít, thì giá xăng ở Việt Nam đang đắt hơn khoảng 40%. Đây có lẽ là mức thuế suất đánh vào nhiên liệu tiêu dùng thiết yếu thuộc diện cao hàng đầu thế giới?

Với mức thuế + phí quá cao như trên, người tiêu dùng và người sản xuất quả thực không được hưởng lợi gì nhiều từ quá trình giảm giá dầu thô. Trong khi đó, các công ty phân phối xăng dầu, lâu nay hưởng lợi rất lớn từ vị thế độc quyền cung ứng, kinh doanh không cần suy nghĩ nhiều vẫn thu lãi khủng, nay bắt đầu thấm đòn lỗ vì giá dầu mỏ lao dốc.

Thiết nghĩ, cuộc chơi nào cũng có quy luật riêng của nó, thăng mãi đến lúc phải trầm, điều quan trọng là sự chuẩn bị của những người trong cuộc kỹ càng đến mức độ nào? Rõ ràng, Bộ Tài chính đang là người thủ đắc vị thế có lợi nhất trong cuộc chơi này với quyền định đoạt tăng thuế. Đồng thời xét về mặt sử dụng công cụ thì không có gì tập trung ngân sách nhanh gọn và lợi hại bằng cách tăng thuế xăng dầu, mỗi ngày có thể thu hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Phải chăng với mức thuế + phí hơn 60% đánh vào một lít xăng như vậy liệu có phải là điều bất bình thường? Nếu giá dầu thô tiếp tục đà giảm sâu kéo dài thì liệu rằng Bộ Tài chính sẽ tăng thuế lên cao hơn nữa?

Một trong những điểm yếu lâu nay của ngân sách quốc gia là phụ thuộc khá lớn vào tỷ trọng xuất nhập khẩu xăng dầu mặc dù nước ta không phải là quốc gia có lợi thế. Thời gian gần đây, Quốc hội đã liên tục cảnh báo về vấn đề này để có định hướng điều chỉnh chính sách chủ động hơn. Tuy nhiên, những chuyển biến về cơ cấu thu - chi diễn ra rất chậm chạp, chưa có giải pháp hiệu quả để nuôi dưỡng nguồn thu nội địa, tình trạng thất thu, đặc biệt là hiện tượng lãng phí, tham nhũng trong chi tiêu ngân sách còn rất lớn.

Trách nhiệm chủ yếu của Bộ Tài chính trong chiến lược cân đối ngân sách quốc gia tỏ ra kém hữu hiệu, vẫn mãi tập trung vào những liệu pháp ngắn hạn, thiếu tính căn cơ, bền vững. Quốc hội cũng cần nhanh chóng cụ thể hóa hành lang pháp lý về quyền định đoạt chính sách thuế của cơ quan hành pháp, không thể để xảy ra tình trạng “lạm thu một chiều” gây phương hại đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân.

Thiết nghĩ, cơn sốc giá dầu mỏ chắc chắn không phải là “phép thử” cuối cùng đối với nền kinh tế và năng lực cân đối ngân sách của Việt Nam. Đồng thời cũng không nên thử thách quá đáng sức chịu đựng của người tiêu dùng vốn dĩ đã gánh chịu nhiều thiệt thòi trong những cuộc chơi “giá cả độc quyền”…

VĨNH PHÚC

;
.
.
.
.
.