Những ngày đầu năm mới 2015, nhiều thông tin vui đến với Đà Nẵng nói chung và ngành du lịch của thành phố nói riêng. Đó là cùng với các xếp hạng bình chọn của du khách về điểm du lịch hấp dẫn, mới nổi từ các trang thông tin điện tử, báo chí quốc tế dành cho Đà Nẵng, thì Trung ương cũng như thành phố có những động thái tích cực, tác động đến sự phát triển du lịch của thành phố.
Trước tiên, là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công bố, triển khai quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, xác định xây dựng vùng thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, có các sản phẩm đặc thù, tính cạnh tranh cao như du lịch di sản văn hóa-lịch sử, tâm linh, du lịch biển đảo và du lịch nghỉ dưỡng… với định hướng đón 6 triệu khách quốc tế, 8 triệu khách nội địa đến năm 2020. Hội nghị liên kết du lịch của 3 địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam cũng được tổ chức nhằm kết nối, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch hỗ trợ lẫn nhau…
Cùng với những tín hiệu khả quan từ du lịch năm 2014 của thành phố với số lượng khách đạt 3,8 triệu lượt (tăng 21,9% so với năm 2013), tổng thu du lịch ước đạt 9.740 tỷ đồng, tăng 25,1%..., ngay từ những ngày đầu năm mới 2015, lượng khách du lịch đến thành phố tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2014. Những đánh giá lạc quan về điểm đến mới nổi, hấp dẫn năm 2015 cho Đà Nẵng từ thành viên cũng như độc giả các trang thông tin điện tử, báo chí về du lịch cũng là niềm khích lệ cho những người làm du lịch nói riêng và Đà Nẵng nói chung. Điều đó cho thấy, với sự đầu tư mạnh mẽ, đúng hướng, du lịch Đà Nẵng đang gặt hái những quả ngọt đầu tiên..., nhất là trên lĩnh vực quảng bá, thu hút khách quốc tế.
Tuy nhiên, qua phân tích khách du lịch đến Đà Nẵng cho thấy nhiều vấn đề cần phải làm tốt hơn nữa. Khách du lịch vẫn chưa mạnh tay chi tiêu, hoặc không có điều kiện để chi tiêu mạnh tay, khi những dịch vụ giải trí của Đà Nẵng vẫn chưa phát triển. Khách dễ bị nhàm chán bởi các dịch vụ chưa phong phú và thiếu tính liên kết. Việc thúc đẩy liên kết, hợp tác du lịch của khu vực duyên hải miền Trung nói chung, 3 địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam vẫn chưa thực sự đi vào thực tế và phát huy hiệu quả cụ thể, mặc dù đã triển khai nhiều năm qua.
Việc chuyển thị trường khách du lịch vẫn chưa cho thấy hiệu quả ban đầu, nhất là sau sự cố sụt giảm nghiêm trọng khách du lịch, đặc biệt là khách Trung Quốc, trong thời gian diễn ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi tháng 5-2014. Dịp Giáng sinh 2014 và Tết Dương lịch vừa qua, lượng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng vẫn chiếm số đông; nhất là khách du lịch Trung Quốc và thị trường nói tiếng Hoa đến Crown Plaza chiếm 99%...
Từ thực tế đó, cho thấy việc tận dụng cơ hội để chuyển hướng thị trường; xúc tiến, quảng bá phải thực sự chủ động lựa chọn thị trường khách du lịch; xây dựng hệ thống dịch vụ mang tính kết nối để du khách có chỗ tiêu tiền… là những vấn đề cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, thế mạnh cần tiếp tục khai thác chính là kết hợp hội nghị, hội thảo với du lịch nghỉ dưỡng; tập trung khai thác thị trường khách du lịch có xu hướng nghỉ “nhiều ngày một chỗ” chứ không phải là “nhiều chỗ một ngày” như hiện nay; tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dễ gây sự cố sụt giảm lớn và nhanh khách du lịch quốc tế... Việc liên kết du lịch giữa 3 địa phương (Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam) cũng như khu vực duyên hải miền Trung cần đi vào thực tế bằng hệ thống hoạt động trong chuỗi thời gian hợp lý cho du khách khám phá, tham quan, mua sắm kết hợp nghỉ dưỡng; nhất là phải liên kết trong quảng bá các sự kiện và điểm đến của từng năm, hình thành các hoạt động lễ hội thường niên mang đặc trưng của từng địa phương…
Để thực hiện được những việc đó, đã đến lúc, dưới sự dẫn dắt của ngành chức năng, cần xác định phương châm “cả Đà Nẵng làm du lịch” để từ đó xây dựng thương hiệu du lịch cho Đà Nẵng và khai thác mạnh mẽ thương hiệu Đà Nẵng cho phát triển du lịch.
ANH QUÂN