.

Tác động tích cực từ chuyển nhượng dự án

.

Con số hàng trăm nhà đầu tư vào thị trường bất động sản (BĐS) ở Đà Nẵng hiện nay cho thấy sự phân tán về nguồn lực. Thị trường BĐS đi xuống thì xuất hiện sự co cụm về đầu tư và ở thời điểm phát triển tích cực vẫn chưa có nhà đầu tư nào đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Tuy vậy, với thị trường nhỏ, một số nhà đầu tư dễ xoay xở khi thị trường BĐS đi xuống và gặp nhiều khó khăn ở khâu đầu tư phát triển dự án và phân phối sản phẩm. Tín hiệu tích cực hiện nay là người dân thành phố đã có được vài chủ dự án đất nền cơ cấu lại mặt bằng giá hợp lý, sớm thực hiện hạ tầng dự án và bảo đảm về hồ sơ thủ tục trong chuyển quyền sử dụng đất. Có doanh nghiệp địa phương tạo được uy tín, dẫn dắt được thị trường đất nền. Trong hàng ngàn nền đất ở được bán trong năm 2014, có doanh nghiệp đã chiếm số lượng bán hàng trên 70%.

Tuy nhiên, thị trường BĐS Đà Nẵng đang có sự xoay chuyển tích cực hơn khi có sự thay đổi ở sự chuyển nhượng của các dự án BĐS. Theo tiết lộ của một số nhà đầu tư, việc mua bán, chuyển nhượng dự án sẽ diễn ra mạnh mẽ ngay trong năm 2015. Hiện một số dự án đã được chuyển nhượng và nhà đầu tư thay thế có tiềm năng về tài chính sẽ tái khởi động và hiển nhiên có sự thay đổi về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng mặt bằng… thiết kế kiến trúc công trình cũng thay đổi.

Việc chuyển nhượng dự án đến từ sự liên kết góp vốn của nhà đầu tư trong nước. Chủ dự án sẽ chia sẻ lợi nhuận đầu tư trong chuỗi liên kết bởi có sự đóng góp vốn từ các ngân hàng. Điều này làm cho dự án có tính ổn định về khả năng tài chính, bảo đảm về tiến độ thi công, tiến độ bàn giao sản phẩm để lấy lại niềm tin của khách hàng.

Thị trường BĐS ở Đà Nẵng cũng nhận được tín hiệu tích cực từ việc chuyển nhượng dự án BĐS đến các nhà đầu tư Nhật Bản. Bởi qua một thời gian thăm dò thị trường thì thời điểm năm 2015, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ không đợi lâu thêm nữa do mối quan hệ hợp tác về chính quyền và sức thu hút đầu tư FDI vào Đà Nẵng luôn được ổn định. Nhà đầu tư BĐS Nhật Bản đang tìm thấy tiềm năng từ các doanh nhân Nhật Bản đang làm ăn và sinh sống ở khu vực miền Trung.

Chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng đang đốc thúc các chủ dự án cam kết và thực hiện lời hứa về tiến độ triển khai các dự án cũng làm cho việc chuyển nhượng dự án diễn ra nhanh hơn. Chính quyền đang có công cụ bảo vệ từ Luật Đất đai 2013 nên việc chây ỳ triển khai dự án sẽ làm tổn hại đến chính nhà đầu tư.

Chuyển nhượng dự án đầu tư BĐS là hoạt động bình thường của thị trường và qua đây tạo ra những tác động tích cực trong đầu tư phát triển đô thị. Theo đó, nhà đầu tư thay thế sẽ tạo ra sự khác biệt để nâng cao hiệu quả dự án đầu tư. Những dấu hiệu khác biệt đang dần hình thành và trở nên xu hướng về phát triển đô thị ở Đà Nẵng. Đối với nhà đầu tư trong nước cũng có trách nhiệm hơn với dự án, với sản phẩm khi đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm căn hộ chung cư. Các dự án đất nền cũng thu hẹp và thay vào đó là hình thành các nhà đầu tư phát triển BĐS với nguồn cung cả đất ở và nhà ở cho khách hàng.

Chuyển nhượng dự án BĐS tác động đến đầu tư phát triển đô thị, thu hút nhà đầu tư mới.

Về quản lý Nhà nước, việc quy hoạch và thiết kế kiến trúc đô thị đứng trước những nhiệm vụ mới nhưng là cơ hội để điều chỉnh quy hoạch, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tổ chức lại không gian đô thị và thiết kế kiến trúc. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại khi công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc ở thế bị động, thực hiện manh mún ở các dự án BĐS đơn lẻ dẫn đến sự chắp vá thiếu đồng bộ trong phát triển đô thị.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.