Mong mỏi của mọi tầng lớp nhân dân, từ giới công chức Nhà nước đến những người công nhân, anh xe ôm, chị hàng rong, người nội trợ… vào dịp Tết đến là thị trường bình ổn, không tăng giá.
Bởi đã thành quy luật, hầu như năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm, gánh nặng chi phí lo Tết lại đè trên đôi vai của đại bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Mỗi năm chỉ có mấy ngày Tết. Vả lại là Tết cổ truyền của dân tộc nên mọi người đều mang tâm lý giàu hay nghèo cũng “ăn Tết”, “vui Tết”. Để có một cái Tết vui tươi, ắt hẳn mọi người sắm sửa đủ đầy, ít nhất phải có mâm cúng nhớ đến tổ tiên, ông bà… thịnh soạn. Và một khi đã thành tục lệ thì nhà nhà phải theo, phải lo. Chính vì lẽ đó, Tết đến là lúc nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, là thời điểm lý tưởng để thị trường hàng hóa trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Đây cũng là dịp các đối tượng buôn bán hàng gian, hàng giả tăng cường các hoạt động vi phạm, gian lận thương mại, gây nguy hại đến người tiêu dùng. Vì vậy, đấu tranh với những hành vi gian dối ấy; đồng thời bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng ở cả ba mặt (số lượng, chất lượng, giá cả) đang trở thành vấn đề cấp thiết của các ngành chức năng dịp cuối năm.
Đứng trước tình hình đó, chính quyền thành phố đã giao các sở, ngành, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch bình ổn hàng Tết từ nhiều tháng trước. Cụ thể, hàng chục đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên toàn thành phố tham gia thực hiện dự trữ hàng hóa cung ứng Tết với tổng giá trị hàng hóa vài trăm tỷ đồng.
Đó chưa phải là con số “khủng” so với nhiều địa phương lớn khác trong cả nước, nhưng người dân có thể yên tâm hơn với bàn tay can thiệp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Kế hoạch trích kinh phí bình ổn giá của Đà Nẵng là chủ trương mang ý nghĩa lớn. Rõ ràng mục tiêu bình ổn thị trường mà thành phố hướng tới là dùng ngân sách Nhà nước để góp phần kiềm hãm tốc độ tăng giá, ổn định thị trường theo khuôn khổ nhất định.
Phải khẳng định vai trò tác động từ chính quyền đối với thị trường là rất lớn. Trong đó, cũng cần nhắc đến sự tham gia tích cực của hệ thống bán buôn, bán lẻ trên trên địa bàn. Nếu không có chương trình bình ổn của thành phố và sự vào cuộc của lực lượng kiểm tra kiểm soát thị trường, không biết giá cả sẽ phi mã đến đâu mỗi dịp lễ, Tết.
Cho đến nay, các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia chương trình bình ổn thị trường nhận hỗ trợ lãi suất vay vốn từ ngân sách Nhà nước như Đắc Vinh, Coopmart đã gắn kết với đẩy mạnh thực hiện các điểm bán hàng bình ổn, bán hàng lưu động, đưa hàng hóa về khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu đông dân cư… đã mang lại niềm phấn chấn cho đông đảo người tiêu dùng. Điều này thể hiện sự chung tay góp sức, chia sẻ của chính quyền đối với người dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi…
Tết Ất Mùi 2015 đang đến, với kỳ vọng sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người và cả xã hội. Cùng với sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, hy vọng năm nay sẽ là cái Tết người tiêu dùng được hưởng sự bình ổn giá, hạn chế đến mức tối thiểu các hiện tượng tiêu cực trong cung ứng hàng hóa cuối năm, góp phần đem lại cái Tết vui tươi, đầm ấm cho người dân.
DUYÊN ANH