Những ngày giữa tháng Chạp này, các giai phẩm Xuân đã tràn trên các quầy báo. Mở những trang quảng cáo ra là thấy Tết.
Mở tivi cũng thấy những clip giới thiệu thực phẩm, đồ trang sức, quần áo, mỹ phẩm phục vụ những ngày đón năm mới. Xuống phố, qua các cửa hàng dọc đường, các siêu thị đã thấy hàng Tết ê hề. Mấy chị cán bộ là bạn bè của tôi hẹn hò đưa con đi sắm quần áo mới vào chủ nhật hoặc ban đêm, rồi đến cơ quan thì bàn tán đủ thứ, từ giá hàng hóa, màu sắc đến sở thích riêng - chung.
Đi qua vài doanh nghiệp, cũng thấy người ta bắt đầu khệ nệ bưng những gói quà đưa lên xe đi biếu xén, tặng nhau… Nhiều gia đình lần lượt xem ngày cúng tất niên, có nhà cúng sớm, đốt vàng mã tro bay cả vào mặt người đi đường!
Ở thành phố, chỉ còn thêm cái chợ hoa nữa là đã Tết!
Nhưng hãy thử về nông thôn, ngoại thành thôi, chưa thấy không khí Tết đâu cả! Mấy ông anh con nhà cậu, nhà dì tôi ở huyện Hòa Vang đến chủ nhật này vẫn cặm cụi ra đồng dặm lúa, bón phân. Có người không ruộng cũng tìm việc làm khác như: trồng cây, sửa nhà và nhiều việc không tên khác. Mấy chú em họ nhà tôi ở huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cũng vậy, tối về nhà đã mệt đứ đừ, làm vài cốc rượu “giải mỏi” rồi đi ngủ, lấy sức cho ngày mai.
Biết Tết bên lưng rồi nhưng chuyện ngày mùa không thể lần lữa! Lại còn cái hầu bao lép xẹp, biết mua sắm chi. Trông được củ quả gì ngon, nuôi được đàn gà, vài tạ cá nước ngọt béo tốt cũng bán cho người buôn chở ra Hàn, xuống phố, mong ra lận lưng thêm vài trăm ngàn đồng cho việc hương khói gia tiên, sắm sửa vài thứ cần thiết… “Ba mươi là chợ Tết của người nghèo” đã trở thành thông lệ ở nhiều vùng nông thôn là vậy. Mà 70% số người dân sống ở nông thôn thì người nghèo lại không ít!
Cho nên, quan sát hai hình ảnh nông thôn và thành thị vào những ngày giữa tháng Chạp này mới thấy bài toán kinh tế - xã hội còn nhiều việc đáng bàn, mà những nỗ lực xây dựng nông thôn mới đang triển khai chưa hẳn đã tìm ra đáp số. Cũng chỉ mới “điện, đường, trường, trạm” hay những giải pháp tạm thời về môi trường, vào các lồng ghép của một số chương trình nào đó, đời sống người dân nông thôn vẫn còn khá nan giải.
Người nông thôn phải ra thành phố tìm việc làm khá bấp bênh nhưng chưa thấy chủ trương đưa các xí nghiệp sử dụng nhiều lao động về vùng nông thôn, chưa tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho những người có năng lực trên từng địa bàn mở mang sản xuất, thu hút lao động tại chỗ. Sản phẩm nông nghiệp nói chung, như rau củ, vật nuôi chưa tạo được sự ổn định về chất lượng và khả năng tiêu thụ… Các hàng quán cà-phê ở nông thôn luôn đông đúc thanh-thiếu niên thiếu việc làm. Nạn trộm chó, trộm gà, lập nhóm đánh đá nhau là điều không tránh khỏi…
GS Trần Văn Thọ gần đây nhắc đến khái niệm “Tư duy phát triển”, cũng có ý nói đến hố ngăn cách về sự phát triển giữa đô thị và nông thôn hiện nay. Theo vị GS này, “tư duy phát triển là tư duy hướng về tương lai đất nước, biến phương châm thành chiến lược cụ thể và khả năng thực hiện để đạt được mục tiêu…”.
Theo tôi, cần có một “Tư duy phát triển” lâu dài và đúng cho vấn đề nông thôn, khác với tư duy thực dụng nhiệm kỳ, thiếu định lượng, mới tạo được những đột phá và căn cơ cho một khu vực đông dân và đang nghèo quanh các đô thị hiện nay. Có vậy, Tết và không khí Tết giữa thành phố và nông thôn mới không trái nghịch như hiện nay.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG