.

Khi lễ hội thật sự là của dân

.

Hằng năm vào những ngày sau Tết âm lịch, là mùa của lễ hội dân gian, tín ngưỡng trên khắp cả nước.

Nhưng lễ hội nhiều nơi đã biến tướng rất nhiều do các yếu tố mê tín, thương mại hóa hoặc nhiều ý đồ không trong sáng khác. Bên cạnh đó, tâm lý đám đông thiếu kiềm chế cũng đã làm cho nhiều lễ hội nặng chất kim tiền, bạo lực không đáng có; khiến cho nhiều cuộc vui trở thành chỗ cho các hành động cờ bạc, bạo hành như báo chí đã tường thuật trong mấy ngày qua. Những hình ảnh đáng tiếc đó hoàn toàn đi ngược với tính nhân văn sâu sắc trong tín ngưỡng của người Việt, cần được lên án và sớm điều chỉnh.

Tôi viết bài này vì niềm hãnh diện là một con dân xứ Quảng, nơi mà các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng dân gian ở quê hương mình trong những ngày đầu xuân vừa diễn ra vẫn còn nguyên những giá trị ban đầu thiêng liêng của nó; được người dân tự nguyện tham gia. Họ vừa là diễn viên vừa là khán giả tận tâm, tận lực trong cả các phần lễ và hội. Hai lễ hội Rước Cộ Bà chợ Được ở Quảng Nam và Lễ hội đình làng Túy Loan (Hòa Vang, Đà Nẵng) vừa diễn ra là những dẫn chứng.

Lễ hội Rước Cộ Bà chợ Được trong ngày 11 tháng Giêng với sự tham gia của cả vạn người dân kéo dài trong không gian từ sông nước và đường bộ từ Bình Triều đến Hà Lam do người dân tự dàn dựng để tri ơn công đức Bà, một phụ nữ huyền thoại người Châu Phiếm Ái. Bà là con nhà giàu có, sinh tại nơi khuê các nhưng vào một ngày cát bụi mù mịt, mây trắng bồng bềnh; dáng người khỏe mạnh, trắng như tuyết, bước đi khác thường, tiếng nói sang sảng.

Tương truyền, khi còn sống thân thể Bà không có xương, nên khi chết hồn bay đi khắp nơi, rất linh thiêng và tôn hiển. Bà hành nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu nhân độ thế, biến hóa thần thông trị tội bọn tham quan và cũng chính Bà đã linh ứng tạo dựng nơi bãi cát hoang vắng bên dòng Trường Giang thành ngôi chợ sầm uất nhanh chóng. Về sau, nghĩ đến sự tình cờ như một ân huệ ban phát: “Được” một cái chợ hay “Được” may mắn trong mua bán, dân làng lấy tên chợ là chợ Được.

Tưởng nhớ công lao của Bà, dân làng địa phương đã lập lăng thờ, hằng ngày hương khói, định ra hai ngày tế lễ hằng năm là ngày sinh (25-2) và ngày mất (19-11) để cầu an và truy niệm. Bà được nhiều lần sắc phong Trung rồi Thượng đẳng thần từ thời phong kiến. Lễ rước Cộ Bà chợ Được có những hoạt động hội hè rất bổ ích gồm các môn thể thao phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế của địa phương nên luôn thu hút cả giới trẻ tham gia…

Trong khi đó, Lễ hội đình làng Túy Loan lại cho thấy những sắc thái tín ngưỡng, tâm linh luôn hòa quyện giữa lòng tôn kính tiền nhân và ước nguyện “quốc thái dân an” của người dân. Sau phần rước sắc phong tiền hiền về đình và các nghi lễ truyền thống trang nghiêm, bao giờ cũng có màn hát bội Phúc Lộc Thọ của tục Kỳ Yên vốn có của cả miền văn hóa xứ Quảng vào dịp tân niên.

Đình làng Túy Loan được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889), là một trong những đình làng cổ còn giữ được nhiều sắc phong của triều Nguyễn, bảo tồn vốn kiến trúc cổ và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1999.

Lễ hội đình làng được tổ chức thường niên là dịp để các thế hệ hậu sinh trong làng ôn lại truyền thống, giữ gìn và phát huy những nét đẹp của văn hóa. Chính vì vậy, tôi vô cùng thích thú với nhiều trò chơi dân gian trong phần hội. Đó là những trò chơi, sinh hoạt hấp dẫn liên quan đến văn hóa nông nghiệp như đúc bánh tráng, bắt lươn, hái chuối, đua ghe… sinh động.

Nhìn các cô gái trẻ quần quật bắt cho được những chú lươn, ai cũng tức cười và cảm động vì lứa trẻ đâu có quay lưng lại với những thú vui dân dã như nhiều người lầm tưởng! Những trò chơi này, theo các bạn trẻ, nếu được tổ chức bài bản sẽ còn hấp dẫn hơn nữa. Nhiều bậc trung niên đặc biệt thích thú với những làn điệu dân ca không thiếu tính nghệ thuật nhưng lấy từ chất liệu của đời sống hằng ngày của một câu lạc bộ bài chòi địa phương.

Tóm lại, những lễ hội như vừa kể của xứ Quảng đã không sa vào thương mại hóa, không tạo ra kích động bạo lực, không mê tín…, theo chúng tôi, là bởi nó là của dân, xuất phát từ lòng thành kính với tiền nhân và những niềm tin có nền tảng vững chắc từ nền văn hóa đặc trưng xứ Quảng của chúng ta.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.