Hoạt động hỗ trợ thanh niên tại Đà Nẵng khá đa dạng về hình thức, các giải pháp đều có nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng thanh niên, có sự tham gia thực hiện của nhiều cơ quan tổ chức trong và ngoài khu vực Nhà nước nhưng vì sao vẫn chưa hiệu quả?
Đề án Hỗ trợ thanh niên Đà Nẵng khởi nghiệp giai đoạn 2015-2020 ra đời với kỳ vọng trả lời được câu hỏi đó. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu tham dự Hội thảo góp ý cho Đề án do Sở Nội vụ tổ chức ngày 13-3, để đề án này phát huy hiệu quả là một chặng đường dài với nhiều khó khăn.
Giai đoạn 2010-2014, bình quân mỗi năm trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 2.000 doanh nghiệp mới thành lập, đồng thời bình quân mỗi năm có gần 300 doanh nghiệp phá sản. Riêng trong năm 2014 có 372 doanh nghiệp tuyên bố phá sản, chủ yếu vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là con số đáng lưu tâm. Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Đà Nẵng có sự tăng trưởng mạnh nhưng chủ yếu về lượng, còn chất lượng và năng lực cạnh tranh thấp do nhiều nguyên nhân như: thiếu tri thức chiến lược và khả năng quản lý, cơ cấu tổ chức đơn giản, năng suất và hiệu quả làm việc chưa cao. Trong khi đó, để hỗ trợ thanh niên thì nguồn lực từ các tổ chức Đoàn, Hội của thanh niên chưa đủ mạnh, thanh niên còn thiếu thông tin…
Một thực tế phải nhìn nhận, hiện nay, việc hỗ trợ để thanh niên khởi sự doanh nghiệp vẫn thiếu sự đồng hành xuyên suốt quá trình hình thành, hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp. Ý tưởng nhiều nhưng nếu thiếu sự hỗ trợ về vốn, nhân lực, tư vấn sẽ dẫn đến chết yểu. Nhiều ý tưởng tại các cuộc thi không thực hiện được phải chuyển nhượng cho các doanh nghiệp lớn hoặc bị đánh cắp ý tưởng.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp thành phố gặp khó khăn nhất là về vay vốn (hơn 79%) rồi đến tiếp cận thị trường (hơn 74%). Thanh niên Đà Nẵng đang có 4 nguồn vay vốn thông qua điều phối của Đoàn Thanh niên nhưng giá trị không cao, chỉ vài chục triệu đồng/người. Ở các nước trên thế giới, quỹ đầu tư mạo hiểm là công cụ hỗ trợ rất tốt cho thanh niên khởi nghiệp, còn tại Đà Nẵng hiện vẫn chưa có nguồn quỹ riêng hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, các đối tượng khởi nghiệp bằng thành lập doanh nghiệp khó có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp thành công nhưng họ đi lên từ một xuất phát điểm rất thấp với nguồn vốn không lớn. Trên thế giới, khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) đang là một phương pháp làm việc nhận được rất nhiều sự chú ý và đã chứng minh được tác dụng của nó trong việc giúp các khởi nghiệp vượt qua hạn chế về nguồn lực.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Văn phòng đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tại Đà Nẵng, cũng cho rằng khâu mấu chốt nhất trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là phải chọn được người có niềm đam mê và biết duy trì ngọn lửa đam mê đó. Ông Ngọc cho rằng, nếu đam mê nhưng nóng vội sẽ dễ dẫn đến thất bại. Khởi nghiệp bắt đầu từ đâu? Không phải là giám đốc doanh nghiệp ngay thì mới là khởi nghiệp. Chỉ cần bắt đầu từ một công việc, ngành nghề nho nhỏ và phát triển dần lên, chẳng hạn bắt đầu từ một quầy hàng nhỏ, làm chủ nhiều vườn rau sạch được thị trường đón nhận…
Một doanh nhân trẻ thành công tâm sự: “Nhiều thanh niên chưa tạo cho mình thói quen, tâm lý chấp nhận thất bại. Biết chấp nhận thất bại, đứng lên để làm lại thì mới thành công. Rất ít trường hợp vừa làm đã thành công ngay”. Bên cạnh sự hỗ trợ của của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài khu vực Nhà nước, sự thành công của mỗi doanh nghiệp không thể thiếu ngọn lửa đam mê và lòng kiên trì. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp trẻ vẫn đứng vững, vượt khó và thành công.
KIM NGÂN