Trong những ngày cuối tháng 3 lịch sử, tôi có vài lần đi từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ để tham dự các buổi lễ kỷ niệm, gặp mặt, khánh thành, khởi công các công trình…
Đi chậm và suy nghĩ về những đổi thay của 40 năm qua, những đổi thay cũng có ý nghĩa như vượt qua những giao lộ, những cản ngại trong lòng người…
1. Đứng trên tầng ba của công trình cầu vượt ngã ba Huế để nhớ lại những chuyến tàu lửa Bắc-Nam qua đây, nhớ lại hai cái rào chắn ngang đường lộ, những đoàn xe kẹt lại như nêm. Nhớ hàng trăm vụ tai nạn giao thông… Mà lẽ ra ở những đất nước giàu có, hạ tầng tốt, những cái đó đã không xảy ra.
Một cái cầu vượt như thế này thì chỉ cần qua các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông… họ đã có từ lâu rồi, thậm chí còn nhiều tầng hơn nữa. Cái nghèo và sự thiếu tính toán khi chọn lựa trong đầu tư đã kéo dài những khó khăn. Khó khăn đến lượt nó lại gây ra những hệ quả khác về đời sống, dân sinh.
Đà Nẵng nay đã có các cầu vượt Hòa Cầm, ngã ba Huế để tránh được sự giao nhau giữa đường bộ với đường sắt. Chắc chắn trên đà phát triển, chúng ta sẽ còn phải xây dựng thêm nhiều cầu vượt khác ở các giao lộ phức tạp trong nội thị. Đó là lẽ tất yếu trong những năm tới, cũng như Đà Nẵng đã thành công khi xây dựng những cây cầu qua sông Hàn, sông Cu Đê, sông Cẩm Lệ… mở ra một không gian đô thị rộng, đa diện và hấp dẫn như ngày nay.
Vấn đề là công tác quy hoạch phải được tính toán để khi xây dựng sẽ giảm thiểu thiệt hại cho người dân, lãng phí cho các công trình công cộng và tốn kém khác về chi phí và thời gian đền bù, giải tỏa.
Đứng trên cầu vượt ngã ba Huế, nhiều người dân đến tham quan với tôi đã mừng cho một thiết kế đẹp, có ý nghĩa văn hóa đặc trưng của lịch sử một vùng đất. Mừng cho công trình thi công nhanh chóng. Mừng cho thành phố sau vài chục năm nỗ lực đã có được một đô thị khang trang, có tiếng vang ra mọi miền đất nước, ra các nước trong khu vực và thế giới. N
hưng Đà Nẵng vẫn còn nhiều điều phải lo nghĩ: Làm sao kinh tế phát triển hơn nữa, hiệu quả đầu tư cao hơn, có thêm những sản phẩm đặc sắc đáng tự hào; bớt đi những công trình mang tính khoa trương để tập trung cho đầu tư vào những động lực phát triển, tiếp tục nâng cao về văn hóa, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống và môi trường trong lành…
Nghĩa là chúng ta, từ lãnh đạo thành phố đến mỗi cư dân phải tự tạo ra những chiếc cầu vượt trong suy nghĩ và hành động của chính mình vậy!
2. Từ Đà Nẵng, tôi đã vào Quảng Nam, đã đến nơi khởi công chiếc cầu Giao Thủy nối liền hai huyện Đại Lộc và Duy Xuyên. Chiếc cầu dã chiến cũ bị hư hại trong chiến tranh, không được xây dựng trong mấy chục năm qua đã tạo ra không ít khó khăn cho hai huyện này về kinh tế lẫn xã hội. Đó cũng từ cái nghèo và thiếu quyết tâm trong nhiều chục năm qua và nay đã khắc phục. Sự kiện này khiến hàng vạn người dân trong vùng mừng vui ra mặt. Giới kinh doanh nói chung càng vui hơn vì sẽ giảm lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 1A, giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa…
Một Quảng Nam còn nghèo khó nhiều mặt, tôi tin rằng khi các huyện, các xã vùng cao phát triển sẽ nhanh chóng giảm đi những khó khăn chung của cả tỉnh. Chiếc cầu Giao Thủy sẽ là một đóng góp không nhỏ trong chiều hướng đó!
Lại quay về tỉnh lỵ Tam Kỳ trong ngày kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước với những công trình đáng tự hào.
Một tượng đài Mẹ Việt Nam trong quần thể công viên rộng hàng chục hecta vừa được khánh thành đã mang lại một nét mới đáng suy nghĩ. Tôi nghĩ đó không phải là một công trình của địa phương mà là của cả nước. Không chỉ ca ngợi và tưởng nhớ công lao của những bà mẹ trong chiến tranh, những nữ thanh niên xung phong, mà là của tất cả những bà mẹ, những phụ nữ Việt Nam trên cả đất nước này mà Tam Kỳ được vinh dự được chọn lựa. Quần thể có ý nghĩa và đẹp không chỉ ở phần tượng đài mà ở cả không gian kiến trúc, cảnh quan được xử lý hài hòa.
Mấy trăm tỉ đồng đầu tư cho một công trình như vậy, theo tôi là không cao so với những thất thoát, lãng phí ở nhiều nơi. Quan trọng là, khu vực quần thể này chắn chắn sẽ trở thành điểm đến của du lịch lịch sử, tâm linh tấp nập nếu được tính toán thêm các dịch vụ quanh nó, gắn liền với vùng biển Tam Thanh, khu vực hồ Phú Ninh tuyệt đẹp gần đó. Và lúc đó, tôi tin là chỉ trong một vài năm, Tam Kỳ sẽ là một điểm đến mới có ý nghĩa, thu hút du khách lẫn các nhà đầu tư, chớ không phải QRT (quay ra thôi) như câu nói vui một thời…
Ở Tam Kỳ những ngày này, một bảo tàng cũng đã hoàn tất và đi vào hoạt động. Tôi chưa có thì giờ đến thăm bên trong, nhưng đây cũng là một công trình đầu tư cho văn hóa có ý nghĩa. Vùng đất Quảng Nam lẫy lừng trong lịch sử từ các chúa Nguyễn và những đặc trưng giao thoa về văn hóa sẽ là những chất liệu phong phú mà tôi nghĩ một bảo tàng lớn sẽ phải thể hiện…
3. Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi nói đến cả Đà Nẵng và Quảng Nam trong một bài viết. Cả hai là cùng một cuống rốn sinh ra và sẽ mãi mãi như vậy. Và do đó, cả hai sẽ cùng nhau phát triển trong hợp tác anh em, như thể sẽ phải cùng nhau đi chung trên một chiếc cầu vượt của chính mình!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG