Vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa (Hà Tĩnh) lại được nhắc đến tại Hội thảo “Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân: Triển vọng và thách thức” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 10-4 tại Đà Nẵng khiến cả hội trường không khỏi xót xa.
Xót xa không chỉ bởi tai nạn xảy ra quá bất ngờ đã cướp đi sinh mạng của 13 người mà còn vì người bị nạn đã nằm xuống nhưng quyền lợi của họ vẫn còn dang dở và người còn sống vẫn đang phải loay hoay “bổ sung” họ vào danh sách đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Và nếu không xảy ra vụ tai nạn này thì hành vi vi phạm luật, trốn nộp BHXH của doanh nghiệp có lẽ chưa bị phát hiện và đưa ra ánh sáng. Thiệt thòi cuối cùng vẫn thuộc về người lao động.
Nợ BHXH không phải là chuyện mới nhưng luôn làm “nóng” các hội nghị và làm “đau đầu” những nhà làm chính sách bởi con số doanh nghiệp nợ không giảm mà ngày càng tăng, diện “phủ sóng” rộng ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Tại Đà Nẵng, theo số liệu mới nhất từ BHXH thành phố, tính đến đầu năm nay, tổng số đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên là khoảng hơn 700 đơn vị. Trong đó có một số đơn vị nợ đọng kéo dài như: Chi nhánh Trung tâm điện thoại di động C.D.M.A tại Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư và dịch vụ Seaprodex, Công ty CP Vật liệu xây dựng 323…
Đại diện lãnh đạo ngành BHXH thành phố Đà Nẵng cho biết, năm nào cũng vậy, đơn vị đã dùng đủ biện pháp, từ việc cho cán bộ đi vận động đơn vị nộp cho đến lập đoàn thanh tra liên ngành xử phạt kịp thời, thậm chí khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Điều đáng nói hơn là ngay sau khi vừa “được” mời ra tòa, một số đơn vị trốn đóng lập tức thực hiện ngay nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giám sát tại 4 tỉnh và phát hiện tổng số nợ BHXH gần 521 tỷ đồng. Có doanh nghiệp đến khi bị kiểm tra mới chịu đóng tiền bảo hiểm cho công nhân. Như vậy, bên cạnh những doanh nghiệp khó khăn thực sự, vẫn còn những đơn vị cố tình chiếm dụng nguồn vốn này. Các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH hiện chủ yếu bị phạt hành chính, mức phạt còn thấp chưa đủ tính chất răn đe.
Công tác hậu kiểm và khởi kiện các đơn vị nợ BHXH ra tòa vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc trốn đóng BHXH của các đơn vị ngày càng tinh vi. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng cho người lao động dưới 3 tháng, đổi địa điểm thường xuyên để tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng, “lách” bằng cách khai ít hơn số lượng lao động thức có…
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước còn khoảng 5,5 triệu lao động chưa được đóng BHXH; quyền lợi người lao động tham gia BHXH chưa được bảo đảm, tình trạng nợ BHXH vẫn còn lớn, gây thiệt hại cho người lao động. Trong đó, người lao động vẫn không biết rằng doanh nghiệp đã chiếm dụng khoản tiền trích từ tiền lương của họ dành để đóng BHXH vào mục đích khác.
Vậy là, có hàng triệu lao động không được cơ quan BHXH giải quyết quyền lợi và chế độ như xác nhận (chốt sổ) khi nghỉ việc hoặc cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng triệu người lao động sống bằng đồng lương ít ỏi lại phải đối mặt với nỗi lo khi ốm đau, bệnh tật, thai sản…
Sắp đến, Luật BHXH mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 giao quyền chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền nộp BHXH vào khung vi phạm của Bộ luật Hình sự cũng sẽ được triển khai. Với nhiều quy định mới này, mong rằng tình trạng nợ đọng BHXH sẽ được giảm thiểu, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
PHƯƠNG TRÀ