.

"Điểm đen" ý thức

Công trình cầu vượt ngã ba Huế vừa khánh thành đưa vào sử dụng mới được vài ngày đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm  chết  một người đi đường.

Chỉ vài ngày trước, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố, tại buổi lễ khánh thành công trình này, hầu như tất cả ý kiến phát biểu của lãnh đạo đều tin tưởng rằng công trình này ngoài việc cải thiện giao thông, còn là một giải pháp căn cơ để  khắc phục “điểm đen” TNGT tồn tại lâu nay tại vị trí này. Không tự nhiên mà mọi người đều có chung niềm tin như vậy, vì với nút giao thông đồng mức vừa đường sắt, đường bộ, lại nằm ngay cửa ngõ giao thông quan trọng ở phía Bắc của thành phố, từ lâu ngã ba Huế đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của người đi đường mà cả với các cơ quan chức năng.

Ở một cửa ngõ giao thông quan trọng mà mỗi ngày có khoảng 30 lượt tàu lửa chạy qua, 5.000 - 7.000 lượt ô-tô và khoảng 80.000 lượt phương tiện xe máy, mô-tô, xe thô sơ đi qua thì những tồn tại này cũng là điều dễ hiểu. Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm hạn chế số vụ TNGT, ùn tắc giao thông nhưng gần như là không thể, tại đây hằng năm đều xảy ra cả chục vụ TNGT vì kiểu giao thông “bỏ trứng vào một giỏ” như thế.

Tuy nhiên với cầu vượt được thiết kế 3 tầng, trong đó tầng 1 ưu tiên dành riêng cho đường sắt, vòng xuyến tầng 2 với 4 nhánh rẽ đi về 4 hướng, tầng 3 là trục đường thẳng (không có giao cắt) nối đường Điện Biên Phủ với đường Tôn Đức Thắng, có thể nói đã giải quyết triệt để những tồn tại trước đây. Đây cũng là một trong những lý do mà mẫu thiết kế này vượt qua 17 thiết kế khác được chọn để thi công nút giao thông ngã ba Huế.

Thế nhưng, ngay sau khi công trình này được khánh thành, không phải đợi đến vụ TNGT thương tâm xảy ra vào tối ngày 4-4 vừa qua, mới nhận ra nguy cơ TNGT tại nút giao thông này. Nguy cơ tiềm ẩn TNGT tại đây không phải do bất cập của hạ tầng giao thông mà chính là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ kém của một bộ phận người dân. Mặc dù trước khi cây cầu vượt này được khánh thành đưa vào sử dụng, thì nhà đầu tư đã dành ra 4 ngày cho người dân lên cầu ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm, thế nhưng sau khi khánh thành chiếc cầu này vẫn không thể tránh khỏi tình trạng mỗi tối có hàng ngàn người tụ tập trên cầu ngắm cảnh và chụp hình.

Rất nhiều người vô ý thức đến nỗi mặc cho các phương tiện bấm còi inh ỏi xin đường, vẫn vô tư đứng ra giữa đường để có một góc chụp đẹp. Những người khác thì để xe bừa bãi, khi chạy xe lên cầu rồi dựng đó và lang thang suốt 3 tầng của cây cầu để ngắm cảnh! Tình hình phức tạp đến nỗi Cảnh sát giao thông thành phố quá vất vả để vãn hồi trật tự phải cầu viện Công an các quận, Thanh tra giao thông, Cảnh sát cơ động... Thế nhưng, khi lực lượng chức năng đến thì họ tản đi nơi khác, lực lượng chức năng đi rồi là lại vô tư tạo dáng chụp hình.

Chưa hết, ở tại tầng mặt đất, cho dù dọc tuyến đường sắt đi qua nút đã được dựng hàng rào cao đến ngực người lớn, thế nhưng cũng chẳng thể ngăn được sự “vô tư” của người dân nơi đây đi dạo mát mỗi tối. Họ vô tư leo qua tường rào cao để qua bên kia đường sắt, rồi lại leo trở lại, cho dù không ít trường hợp tàu lửa đang ào ào lao đến.

Hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng nút giao thông này nhằm giải tỏa ách tắc và TNGT. Trước mắt, có thể thấy giao thông thông suốt hơn và thuận lợi hơn. Thế nhưng chưa ai dám khẳng định rằng nơi đây sẽ không còn là “điểm đen” giao thông, khi trong ý thức của bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn là một “điểm đen” to tướng!

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.