.

Học Bác thì hãy lặng lẽ hiến dâng

.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài suốt 30 năm của dân tộc, đã có biết bao những chàng trai, cô gái tình nguyện lên đường đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Bằng hành động dũng cảm, họ hát vang bài ca “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Họ đã lấy cả cuộc đời mình để chứng minh cho lời bài hát ấy. Trong thực tế, họ không chỉ tình nguyện xa mái ấm gia đình, xa những người thân thương nhất, tình nguyện ăn bờ, ngủ bụi, “khoét núi ngủ hầm/mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non”, mà nhiều người trong số họ còn lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân mình chèn pháo, lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội nhả đạn về phía quân thù...

Những con người ấy cũng như mọi người sinh ra trên thế giới này, không ai mong muốn chiến tranh, nhưng bất đắc dĩ có chiến tranh, họ đã xông pha chiến đấu đến giọt máu cuối cùng; không ai không trân quý sự sống của mình, nhưng họ đã nhường nhau sự sống, sẵn sàng chết cho lý tưởng Độc lập, Tự do của Tổ quốc. Đó là những người lặng lẽ dâng hiến. Trong số này, có người được biết đến nhưng nhiều người không ai biết đến. Thân xác họ vùi sâu trong đất, hóa thành cát bụi, nhiều lắm là thành nhành cây, ngọn cỏ ven đường. Khi dâng hiến, họ hoàn toàn không mưu cầu phải được đền đáp, phải được tôn vinh, càng không nghĩ đến chuyện phải được xây đền đài, lăng tẩm để đời sau thờ cúng. Đơn giản vì họ có “Một trái tim biết yêu tha thiết đất nước quê hương/Biết căm thù quân xâm lược/Một trái tim rực lửa anh hùng”.

Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước cũng đã có hàng triệu, hàng chục triệu lượt người lặng lẽ dâng hiến tài năng, sức lực, của cải, tri thức của mình cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Họ là những cán bộ lãnh đạo, quản lý, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà soạn nhạc, nhà hoạt động văn hóa, những thầy cô giáo trên bục giảng… Trong im lặng, họ miệt mài làm việc, lao động, cống hiến theo chức phận xã hội phân công cho mình. Họ tự rèn bản thân và phấn đấu để hoàn thành công việc, bởi họ nghĩ hoàn thành được công việc đã là vẻ vang lắm rồi. Họ không đòi hỏi xã hội phải trả công cho mình, thậm chí không nghĩ đến bản thân mình.

Trong xã hội muôn màu muôn sắc, vẫn thấy lấp lánh những tấm lòng nhân ái sẵn sàng cảm thông, chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, đồng bào bị thiên tai, bão lụt, những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Đã có biết bao nhiêu người tình nguyện hiến máu, hiến tạng cứu người. Nhiều tấm gương đã quên mình cứu hộ, cứu nạn và anh dũng hy sinh. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm để giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân và trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, có biết bao những chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang đã dũng cảm hy sinh, “vì nước quên thân” trong thời bình. Những con người ấy là những con người đã sống vì người khác, vì mọi người, vì đất nước. Những con người ấy là những tấm gương sáng về đạo đức mới “mình vì mọi người”. Đó là đạo đức Bác Hồ, đạo đức Hồ Chí Minh.

Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn dạy cán bộ, đảng viên - những “công bộc” của dân phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, coi ý thức trách nhiệm với công việc là tài sản quý báu, cần được nâng niu, giữ gìn. Và không chỉ dạy cho người khác, Hồ Chí Minh đã thực hành bằng cả đời mình. Cuộc đời Người là một tấm gương sáng ngời về đức hy sinh quên mình vì lợi ích của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi về cõi người hiền, Hồ Chí Minh đã làm hết sức để theo đuổi lý tưởng cách mạng của mình. Người nói: “Cả đời tôi, tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó…

Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”. Để theo đuổi mục đích đó, Người đã nghiêm cẩn tiết chế những ham muốn vật chất của mình, sống thanh bạch, giản dị, mộc mạc đến thô sơ đối với những nhu cầu vật chất cho riêng mình. Ngay cả khi có quyền lực trong tay - quyền lực của người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước - Người vẫn thế. Trong những dòng cuối bản Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Người dâng hiến cả cuộc đời cho dân tộc, cho nhân dân mà không mảy may đòi hỏi bất cứ điều gì.

Hồ Chí Minh là một trong số rất ít những anh hùng, vĩ nhân của các thời đại đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Và ngay cả khi đã trở thành huyền thoại, Người vẫn là Hồ Chí Minh - một người bình dị, chân thành, gần gũi với nhân dân, không tự cho phép mình đứng trên nhân dân. Người thể hiện sự nhất quán đến lạ lùng về những ham muốn cho mình và cho dân tộc mình.

Ngày nay, khi bước vào kinh tế thị trường, trong xã hội đã bộc lộ nhiều lối sống, lẽ sống rất thực dụng. Nhiều người chỉ nghĩ đến mình, lo cho mình, cái gì họ cũng muốn nhiều hơn, ngon hơn, tốt đẹp hơn. Có một bộ phận không nhỏ những người đã thần thánh hóa, tuyệt đối hóa những giá trị vật chất, sẵn sàng làm mọi việc, kể cả thực hiện những hành vi tội ác để thỏa mãn những ham muốn vật chất của mình. Họ sống xa hoa, hưởng lạc, sùng bái tiện nghi vật chất, hợm hĩnh, khoe của, hãnh tiến nhưng tâm hồn thì trống rỗng và lố bịch trong lối hành xử về văn hóa… Thói giả dối, bệnh thành tích cùng với lối sống phô trương, khoe của, khoe giàu, khoe khoang thành tích lên ngôi, mặc sức tung hoành, đến mức bệnh nhân vào viện chữa bệnh, đến khi lành bệnh thì được làm lễ “tôn vinh” ra viện. Trong công tác cán bộ của Đảng và trong công tác nhân sự đại hội đảng các cấp hiện nay cũng trở nên khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều, bởi “ai cũng nghĩ mình giỏi hơn, ai cũng nghĩ mình thiệt hơn người khác”(*).

Vì vậy, cần trở lại với những nguyên tắc đạo đức của Hồ Chí Minh. Ai cũng có quyền mưu lợi cho mình nhưng không chà đạp lên tự do, lợi ích của người khác. Cần đề cao lối sống dâng hiến, lặng lẽ ươm cây làm mật ngọt cho đời. Dâng hiến là lối sống vì mọi người, vì cái chung, lặng lẽ làm việc, lặng lẽ hiến dâng, không cần một sự biệt đãi nào của xã hội, cũng không chờ đợi một sự “vinh danh” nào của cuộc đời. Những người dâng hiến là những người luôn đam mê trong công việc, sung sướng khi được làm việc và hạnh phúc khi được cống hiến, khi làm được việc tốt, khi đem lại niềm vui cho người khác, cho mọi người. Họ luôn ý thức được trách nhiệm của họ với xã hội. Lối sống, cách hành xử của họ làm cho người khác tin vào cái tốt, cái tích cực, tin vào cuộc đời này. Bởi vậy, sự dâng hiến có ý nghĩa cấp số nhân, ngoài sự dâng hiến, họ còn lôi kéo, kết dính, lan truyền cái tốt, cái tích cực trong xã hội, làm cho các thành viên khác sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

Làm một việc gì để được vinh danh cũng đã tốt, mà lặng lẽ làm việc, lặng lẽ dâng hiến cho đời lại càng tốt hơn. Biểu dương, tôn vinh những người có nhiều thành tích vì xã hội, vì cộng đồng là cần thiết. Nhưng trên hết, cần nghiêm túc học lại bài học về đức hy sinh, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà Hồ Chí Minh đã dạy từ gần một trăm năm trước. Đó là bài học về sự dâng hiến. “Tôi hiến dâng cả đời tôi cho Tổ quốc tôi, cho dân tộc tôi” - Hồ Chí Minh chẳng đã nói như vậy sao.

Học Bác thì hãy lặng lẽ hiến dâng mật ngọt cho đời.

VÕ CÔNG TRÍ

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng


(*) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công tác nhân sự vô cùng khó khăn: Tuổi trẻ chủ nhật, 10-5-2015, Tr.3

;
.
.
.
.
.