.

Lo dịch không giảm

.

Một đặc điểm khác biệt của bệnh dịch tay - chân - miệng (TCM) năm nay so với các năm trước là dịch không tăng đột biến hoặc rầm rộ vào một thời điểm, kể cả vào những tháng thường được xem là đỉnh dịch.

Như hiện nay, thông thường tháng 5 là giai đoạn TCM rơi vào đỉnh dịch nhưng những tuần qua, số ca mắc TCM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng duy trì “ổn định đều đều” như từ đầu năm. Cụ thể, tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 48 ca TCM. Trong khi đó, theo Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, không riêng tuần vừa rồi mà hầu hết các tuần trong năm nay, số ca bệnh thường dao động ở mức 30-40 ca/tuần. Nghĩa là bệnh có tăng nhưng chỉ “tăng nhẹ”. Tổng số trường hợp mắc tính từ đầu năm đến nay là 764 ca.

Ngành y tế cho rằng, đó là dấu hiệu cho thấy TCM đã trở thành bệnh thường quy, diễn ra thường xuyên, quanh năm. Dịch không tăng là đáng mừng. Tuy nhiên, dịch không giảm lại là một vấn đề đáng lo.

Vì sao dịch bệnh TCM không giảm? Rõ ràng, điều này cho thấy TCM hoàn toàn không phải là loại dễ phòng hoặc dễ điều trị, nhất là trong tình hình chưa có vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó, tình hình dịch không giảm là lời cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn khả năng dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Chỉ mới “tăng nhẹ” nhưng ở các khoa tại các bệnh viện có điều trị TCM, bệnh nhân đã phải nằm giường kê thêm. Thời tiết nắng nóng liên tục như những ngày qua và dự báo còn các đợt nắng nóng kế tiếp, nguy cơ TCM gia tăng là điều khó tránh khỏi. Nắng nóng thường đi liền với sự phát triển bệnh TCM, do điều kiện nước sạch có thể không bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Nắng nóng cũng là môi trường thuận lợi cho ruồi nhặng và vi khuẩn, nguồn lây bệnh TCM phát triển. Do đó, trong tình hình chưa có vaccine phòng bệnh TCM như hiện nay, cách để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh là mọi người, nhất là trẻ em và người chăm trẻ luôn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn. “Ăn chín, uống sôi” và sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng, giúp tăng sức đề kháng cũng là lời khuyên thường trực của bác sĩ trong việc phòng và chữa bệnh.

Nói thì dễ, nhưng để thực hiện đúng việc giữ vệ sinh cá nhân, môi trường xung quanh, cũng như ăn sạch, uống sạch lại là câu chuyện không đơn giản. Có bà mẹ nuôi con nhỏ với “một bồ” kiến thức về phòng bệnh, nhưng người trực tiếp chăm bé lại sử dụng chiếc khăn… đen ngòm để lau miệng cho trẻ. Không trách hiện nay bé cũng “gia nhập” khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi để điều trị TCM.

Tại các nhà trẻ, nhóm trẻ, việc phòng bệnh TCM còn khá… nguy cơ. Dù việc tuyên truyền phòng TCM đã đến với hầu hết các nơi nuôi dạy trẻ, cụ thể là đâu đâu cũng thấy treo, dán tờ hướng dẫn theo dõi, nhận biết bệnh dịch này, nhưng chừng đó chỉ là “bề nổi”, cái chính là công tác giám sát khâu vệ sinh tại những nơi này lại còn nhiều bỏ ngỏ.

Trong một vài năm trở lại đây, TCM không còn là bệnh dịch xa lạ với mọi người. Tuy vậy, việc hướng dẫn phòng chống bệnh và cảnh báo bệnh không thể vì thế bị xem nhẹ. Dịch không tăng dữ dội chưa hẳn là “thành tích” của cơ quan chức năng. Ngược lại, dịch không giảm là trách nhiệm mà người dân và các ngành liên quan cần tìm cách “kéo xuống”.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.