.

Phụ nữ đâu chỉ giỏi lầm lũi, chắt chiu

Không phủ nhận chị em hội phụ nữ làm được các việc như nuôi heo đất, góp vốn tình thương, gom ve chai, v.v… để kiếm tiền giúp nhau là những việc tốt.

Từng “đồng tiền lẻ” được gom lại đã góp phần giải quyết rất nhiều khó khăn cho nhu cầu thực tế tại mỗi thôn xóm, xã phường. Những năm gần đây, “phong trào phụ nữ”, nhất là các hoạt động tiết kiệm như trên đã được xã hội công nhận, ngợi ca và cả khen thưởng. Những phụ nữ, những phong trào ấy còn được tuyên dương như điển hình tiên tiến trong cuộc sống ngày nay.

Tuy nhiên, nhìn hình ảnh các chị hăng hái gom góp rác thải, phế liệu để có tiền bỏ ống heo, hay đong đếm từng nắm gạo vun vén cho hũ gạo tình thương, rồi tưng bừng với “chiến công” xây dựng phong trào giúp nhau vượt khó mà... chạnh lòng cho nữ giới.

Lẽ nào từ khi đất nước còn đói khổ, cho đến khi cuộc sống hiện đại hơn rất nhiều, sự lầm lũi, chắt chiu vẫn luôn được “gắn” lên người phụ nữ như một tấm huy chương vẻ vang của lòng hy sinh, chịu đựng gian khó.

Không chỉ có xã hội tôn vinh phụ nữ về sự chịu thương chịu khó, rất nhiều chị em cũng đầy tự hào với “thiên chức” lặng lẽ gom góp cho gia đình mình và cho cộng đồng.

Đạt “danh hiệu” giỏi tiết kiệm, giỏi xoay xở cho cuộc sống thường nhật, lẽ nào là niềm vinh hạnh của phụ nữ? Vì sao chỉ có phụ nữ thực hiện các phong trào như: nuôi heo đất, tổ tiết kiệm, góp vốn, gom rác thải, v.v… mà không phải là đàn ông làm những việc đó để cùng xây đắp cho ngôi nhà mình, cho làng xóm mình? Vì sao chị em cứ phải “giành” về mình những phần việc như vậy để rồi tự khen nhau? Đó là đặc quyền, là thế mạnh của phụ nữ sao?

Không phải hễ phụ nữ nuôi heo đất thì đàn ông cũng nuôi mới gọi là “ngang hàng”. Vấn đề muốn nói ở đây là cái gì phụ nữ làm thì đàn ông cũng làm được và ngược lại. Năng lực của phụ nữ đâu chỉ dừng ở những việc nhỏ bé như gom tiền giúp nhau, mà chúng ta phải vỗ tay khen ngợi như những “điển hình tiêu biểu”. Khen trong nhiều trường hợp lại là sự đánh giá không đúng khả năng, thậm chí coi thường năng lực một con người, một nhóm đối tượng.

Một người làm về công tác bình đẳng giới đã kể câu chuyện rằng, tại một đất nước phát triển nọ, hễ chủ doanh nghiệp ưu ái lao động nữ thì sẽ bị cho là có thái độ… bất bình đẳng đối với phụ nữ. Chẳng có gì cần ưu ái cho phái nào cả. Phụ nữ hay đàn ông đều có thể mạnh của mình. Sự đòi hỏi đúng năng lực của con người trong nhiều trường hợp lại mang ý nghĩa trân trọng, ngợi ca hơn những lời khen tặng.

Cứ mải mê tự hào về “thiên chức” hay “đặc quyền” nữ giới, phụ nữ vô tình khiến cho “chiếc lồng” bất bình đẳng càng khóa chặt cuộc đời mình. Chị em cần tự đòi hỏi ở mình nhiều hơn, thay vì nhẹ dạ nhận những lời khen dễ dãi. Đó là cách phụ nữ trân trọng bản thân, và buộc xã hội phải có cái nhìn, cũng như cách đánh giá khác về nữ giới.

THU HOA

;
.
.
.
.
.