Một sự trùng hợp không mấy dễ chịu cho các em học sinh khi bước vào kỳ thi học kỳ 2 của năm học 2014-2015 này là thời tiết bất ngờ trở nên nắng nóng, ngột ngạt.
Phụ huynh thì cuống cuồng tìm cách “giải nhiệt” cho con em, nhưng cũng không quên động viên các em nỗ lực thật nhiều để có kết quả một mùa thi như mong đợi.
Và khi các em hoàn thành mùa thi, năm học kết thúc, thì cũng chính là lúc phụ huynh phải đối diện với một đợt “nắng nóng, ngột ngạt” khác là không biết “đặt” các em ở đâu trong suốt 3 tháng nghỉ hè. Câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản, nhưng là vấn đề mà nhiều phụ huynh không thể “giải” nổi.
Một kỳ nghỉ kéo dài đến 3 tháng khiến cho nhiều phụ huynh lúng túng không biết làm gì cho đúng, tốt cho con mình. Loay hoay đủ kiểu thì cuối cùng gần như tất cả đều phải chọn giải pháp mà không mấy em học sinh - lứa tuổi cần không những được quyền học tập mà còn được quyền vui chơi giải trí lành mạnh là đăng ký cho các em vào các lớp... học thêm. Dự luận xã hội đã lên tiếng phản đối “học kỳ 3” này, bản thân bậc phụ huynh cũng không mặn mà cho con đi học thêm trong hè. Thế nhưng, biết làm sao khi gần như là ngoài các lớp học thêm, phụ huynh không thể kiếm đâu ra sân chơi nào khác bảo đảm an toàn và lành mạnh cho con em mình trong suốt 90 ngày nghỉ của các em?
Từ nhiều năm nay, tháng 6 được chọn là Tháng hành động vì trẻ em, với mỗi năm có một chủ đề cụ thể. Chính nhờ những Tháng hành động vì trẻ em này, mà nhiều học sinh có cơ hội tham gia các kỳ nghỉ hè do địa phương, cơ quan của ba mẹ tổ chức, hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa do các tổ chức xã hội dành cho mình... Thế nhưng, chừng đó các hoạt động thì cũng không thể “nuốt” hết quỹ thời gian nghỉ rất dài của các em.
Tại sao với sự nỗ lực của Nhà nước, tổ chức xã hội và phụ huynh, nhưng vẫn không thể biến kỳ nghỉ hè của các em trở thành kỳ nghỉ thật sự vui tươi, lành mạnh, bổ ích và an toàn... Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ kỳ nghỉ giữa 2 năm học của chúng ta quá dài? Điều này là có cơ sở khi nhìn ra các nước lân cận cũng như ở các nước phát triển trên thế giới, ít nước nào chọn năm học kéo liền một mạch 9 tháng, rồi sau đó lại nghỉ đến 3 tháng. Việc học liên tục 9 tháng có thể dẫn đến sự quá tải cho học sinh, ngược lại việc nghỉ đến 3 tháng cũng khiến cho học sinh “rơi rụng” rất nhiều kiến thức đã học trong năm... Chính vì lẽ này mà ở nhiều nước đã chọn cách xen kẽ những kỳ nghỉ nhỏ vào các học kỳ trong năm; riêng kỳ nghỉ kết thúc năm học là dài nhất nhưng thường thì cũng gói gọn trong khoảng 4 tuần lễ. Một cách làm rất khoa học, thuận lợi cho xã hội, phụ huynh và cả các em học sinh! Vậy mà điều đó vẫn còn rất xa với các em học sinh Việt Nam.
Đã đến lúc những nhà làm giáo dục nên nghĩ đến giải pháp lâu dài và căn cơ, để những ngày nghỉ hè dài đằng đẵng không còn là nỗi lo của học sinh cũng như các bậc phụ huynh và của toàn xã hội.
TRẦN LUÂN SƠN