.

Cần quyết sách về đất ven biển

.

Không phải lúc nào cũng có một chính sách đúng ngay từ đầu. Thực tiễn cho thấy, có những chính sách đúng ở giai đoạn này nhưng sang giai đoạn khác lại không còn phù hợp, giải quyết rất hiệu quả nhu cầu phát triển ngắn hạn nhưng lại khó đáp ứng nhu cầu phát triển trung - dài hạn. Câu chuyện về quy hoạch, sử dụng đất ven biển Đà Nẵng có lẽ đã rơi vào trường hợp này?

Trở lại thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, đất ven biển Đà Nẵng gần như chưa được chú ý đến. Hai vệt bãi biển quan trọng là Liên Chiểu - Thuận Phước (đường Nguyễn Tất Thành) và Sơn Trà - Điện Ngọc (tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa) chủ yếu là rừng dương, muống biển, thỉnh thoảng xuất hiện một bãi tắm, hầu hết là tự phát.

Sự hoang sơ đến mức nghèo nàn của bãi biển có lẽ phần nào cũng tác động đến những nhà hoạch định lúc bấy giờ, khiến khó hình dung được giá trị đích thực của bãi biển sau một vài thập niên nữa. Vì vậy, một cách hào hứng và có phần vội vã, Đà Nẵng đã đốn hạ gần như toàn bộ rừng dương, thay vào đó là những kết cấu bê-tông cốt thép - những con đường ven biển.

Xét ở khía cạnh nào đó, những con đường ven biển cũng là nhân tố quan trọng làm thay đổi diện mạo và đời sống dân sinh Đà Nẵng. Đến nay, đó vẫn là những con đường đẹp, nhận được nhiều ngợi ca.

Ấy vậy, kể từ cơn bão Xangsane (năm 2006), khi khối kè bê-tông đường Nguyễn Tất Thành gãy nát trước sự tấn công dữ dội của những đợt sóng biển trong siêu bão, khi tất cả ngôi nhà mặt tiền của “con đường 5 sao” hư hại nặng nề…, chính quyền và người dân đã nhận ra dường như có điều gì chưa hợp lý; phải chăng những con đường “lấn biển” không thể nào thay thế được những hàng dương?

Tiếp sau những con đường lấn biển, bờ biển Đà Nẵng, nhất là tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, được giao cho hàng loạt chủ đầu tư, hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng cao cấp. Đến nay, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau khi nhìn nhận về những khu này. Có ý kiến cho rằng, đó là những cơ sở dịch vụ mang đẳng cấp quốc tế, đóng góp đáng kể về nhiều mặt cho Đà Nẵng. Cũng có ý kiến, những khu này vô hình trung chia cắt, phân lô, làm “tầm thường hóa” những bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Có vẻ cuộc tranh luận trên đây đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng có mấy điều đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất, bên cạnh những nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc, đầu tư bài bản, thì vẫn còn không ít nhà đầu tư kém năng lực, không thể triển khai, hoàn thành dự án.

Chính họ đã biến những không gian đẹp trở nên nhếch nhác, hoang tàn. Mới đây, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra và cương quyết thu hồi các dự án này. Đà Nẵng được xem là địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ về đất đai, nhưng không thể kiên nhẫn hơn được nữa.

Thứ hai, từ xa xưa đến hiện tại, đất ven biển vốn là những không gian công cộng, là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, thực hành nghi lễ truyền thống… của cư dân ven biển. Không thể có chuyện người dân bao đời sống ở ven biển lại phải đi xin những chủ đầu tư để được tắm biển. Sau phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất được người dân đồng tình, đó là: trả biển lại cho dân.

Thứ ba, như PGS,TS Võ Đại Lược trao đổi với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tại một buổi nói chuyện do Báo Đà Nẵng tổ chức, không phải ai cũng đủ năng lực, trình độ sử dụng một tài nguyên quý hiếm như ven biển miền Trung. Nói cách khác, một khi chấp nhận các nhà đầu tư “thường thường bậc trung” thì sẽ đánh mất các nhà đầu tư thực sự tầm cỡ. Đây là điều đáng tiếc mà nhiều địa phương miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, gặp phải.

Đà Nẵng đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, đánh giá toàn diện các mặt kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ cũng như các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển. Có thể nói, đây cũng chính là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra quyết sách liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất ven biển Đà Nẵng, với vai trò là một trong những tài nguyên, nguồn lực quan trọng bậc nhất. Tin chắc rằng, từ đây, Đà Nẵng sẽ có hướng khai thác đất ven biển hiệu quả, bền vững, xứng tầm hơn.

NGUYỄN THỊ ANH

;
.
.
.
.
.