.

Động lực cho "Thành phố môi trường"

.

Với việc Đà Nẵng có 1 tổ chức và 1 cá nhân được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015 (giai đoạn 2013-2014) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trao tặng  trong số 50 tổ chức, cá nhân trong cả nước, tiếp tục cho thấy sự ghi nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố trong việc quyết tâm xây dựng “Thành phố môi trường”.

Nỗ lực đó được thể hiện cụ thể ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, những quan điểm, mục tiêu và tiêu chí về “Thành phố môi trường” từ năm 2008 đến năm 2020 đã được cộng đồng tiếp cận và đồng thuận thực hiện. Thông qua các hoạt động và kết quả điển hình về xử lý điểm nóng môi trường, quản lý chất thải rắn, kiểm soát và xử lý nước thải, khí thải…, Đà Nẵng đã ghi điểm trong việc nỗ lực xây dựng “Đà Nẵng- Thành phố môi trường”.

Thứ hai, việc phục hồi nhanh môi trường sau thiên tai nặng nề trong cơn bão và lũ tháng 10 và 11-2013 và sau đó, UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác điều hành khắc phục sự cố môi trường cấp thành phố, góp phần giúp Đà Nẵng chủ động hơn trong việc khắc phục sự cố môi trường sau thiên tai. Trong điều kiện thành phố chưa có phương án trước, nhưng trong đợt bão và lũ từ ngày giữa tháng 10-2013, thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì huy động 27 đơn vị tham gia vệ sinh môi trường và thu gom rác thải kịp thời để giải phóng 52 tuyến đường phố chính thuộc 4 quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê và Sơn Trà. Bình quân có khoảng 700 lượt người tham gia mỗi ngày với 80 phương tiện xe, tổng lượng rác thu gom và đưa vào bãi rác được 3.800 tấn.

Thứ ba, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các lô đất trống trên địa bàn đã được nhân dân thành phố hưởng ứng và tham gia; nhất là công tác rà soát và yêu cầu chủ sử dụng đất có trách nhiệm vệ sinh môi trường đã giải quyết cơ bản tình trạng mất mỹ quan trong khu vực đô thị. Qua đó, đã tạm thời chấn chỉnh tình trạng đổ chất thải, phế thải xây dựng vào các khu vực, lô đất trống gây ô nhiễm; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các biện pháp quản lý môi trường ở các lô đất trống. Cộng đồng đã phát hiện, tố cáo các hành vi xâm hại môi trường, đổ chất thải không đúng quy định để gây ra các ô nhiễm tại các lô đất trống và nhiệt tình tham gia giải quyết triệt để vấn đề trên.

Thứ tư, việc thực hiện “Đề án thu gom rác theo giờ” đến nay đã có hiệu quả. Từ chỗ thùng rác đặt nguyên một vị trí 24/24 giờ mỗi ngày, không được vệ sinh, thường phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến nhà dân, đến nay chỉ còn 6/24 giờ mỗi ngày, đồng thời tập trung việc đổ rác và thu gom về đêm. Như vậy, ban ngày cơ bản là không có thùng rác, thùng được di chuyển để vệ sinh và phục vụ đặt lại vị trí cũ vào ngày hôm sau. Hoạt động thí điểm này cơ bản đi vào nền nếp, đang từng bước được nhân rộng, người dân đã có thói quen đổ rác đúng giờ, bảo đảm về mặt mỹ quan đô thị, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể trong công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn.

Thứ năm, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp” đang hoạt động hiệu quả. Đây là phong trào duy nhất chỉ có tại thành phố Đà Nẵng và được duy trì gần 11 năm qua. Đến nay, 100% người dân biết và tham gia phong trào, qua đó, tạo dần thói quen cho cộng đồng có trách nhiệm với môi trường; từ đó, các vấn đề môi trường ở cơ sở cũng được giải quyết.

Thực hiện các việc cụ thể trên để bảo vệ môi trường, xây dựng “Thành phố môi trường” thì không phải địa phương nào cũng làm được. Cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm của chính quyền các cấp của thành phố cũng như sự hưởng ứng tích cực của người dân, danh hiệu Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015 cùng với các giải thưởng khác trong thời gian qua là động lực tiếp thêm sức mạnh để Đà Nẵng quyết tâm thực hiện thành công “Thành phố môi trường” vào năm 2020 theo đúng lộ trình.

THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.