“Sau 12 tháng nữa mà nhà máy vẫn hoạt động tốt như lúc khánh thành thì mới thật sự thành công”, “Hãy chờ xem gạch không nung này có dùng được hay không đã. Quê tôi cũng làm gạch không nung từ rác rồi; nhưng cho chẳng ai lấy vì không đạt độ cứng và vẫn còn mùi hôi”, “Mừng cho môi trường Việt Nam được cải thiện”…
Đó là những dòng bình luận của bạn đọc trên một trang báo điện tử trước thông tin khánh thành giai đoạn 1 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) diễn ra vào ngày 27-6 vừa qua. Sự quan tâm, theo dõi của dư luận đối với vấn đề này, bên cạnh những sáng tạo, đột phá của Đà Nẵng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, còn là những vấn đề mà Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đang phải đối mặt trên lĩnh vực bảo vệ môi trường; đặc biệt là đối với xử lý rác thải.
Chính vì vậy, việc tiên phong trong đầu tư một khu liên hợp xử lý rác thải với công suất 200 tấn/ngày của Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền thành phố và sự quan tâm của người dân; bởi khu liên hợp này áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, tái chế hầu như 100% thành phần trong chất thải rắn để biến rác thải thành những sản phẩm sử dụng trong đời sống như dầu PO, FO, RO, than sinh học, than biochar, gạch không nung… Tất cả các sản phẩm đều đã được kiểm định đủ tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tiêu chuẩn ngành.
Thật ra, quy trình này không mới, nhưng là mới ở Việt Nam bởi việc tiên phong đầu tư cho công trình này là khá tốn kém và không mấy chắc chắn, bởi một số quy định pháp lý vẫn chưa chặt chẽ, việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm khó khăn và chưa ổn định…
Không phải ngẫu nhiên mà Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thành phố Nguyễn Điểu chia sẻ với lãnh đạo Bộ TN-MT cũng như hơn 30 lãnh đạo sở TN-MT trên cả nước tham dự sự kiện này, rằng làm công trình này rất hồi hộp và lo lắng, khi thành phố có chủ trương từ cách đây gần 10 năm, khoảng 30 dự án “đến rồi đi” mà chẳng thấy hồi âm.
Hay theo lãnh đạo Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam, để tiến đến làm chủ công nghệ như hiện nay, công ty đã trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức như từng trả giá cho việc đầu tư công nghệ không phù hợp; bất cập trong chính sách đối với các nhà đầu tư xử lý môi trường vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với các doanh nghiệp cũng như những nhà quản lý, nên gặp nhiều lúng túng trong hướng dẫn, chỉ đạo…
Cả những vấn đề doanh nghiệp cũng như chính quyền phải đối mặt trong tương lai để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển như chính sách về giá xử lý rác, vốn đầu tư, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động dây chuyền xử lý rác thải…
“Chúng tôi đã trăn trở rất nhiều khi chấp nhận đầu tư chi phí lớn nhưng quyết tâm thực hiện đến cùng với mong muốn xử lý chất thải rắn triệt để không chôn lấp, quá trình xử lý không phát tán ô nhiễm thứ cấp ra môi trường, và sản xuất ra các sản phẩm năng lượng tái tạo từ chất thải rắn. Giá trị lớn nhất mà dự án mang lại không phải là giá trị về mặt kinh tế mà là ý nghĩa nhân văn vì cộng đồng, vì một môi trường xanh bền vững”, lãnh đạo Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam khẳng định.
Nhờ những cam kết như vậy cùng với sự quyết liệt của chính quyền, sự hưởng ứng của người dân, thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã có nhiều “điểm cộng” trong tiên phong bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Việc khánh thành và đi vào hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn là thêm một “điểm cộng” nữa. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian và sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao hơn nữa để dự án thực sự thành công như mong muốn.
ANH QUÂN