Như đã từng khiến không ít người thán phục về sự đột phá, Đà Nẵng vừa đi đầu cả nước trong một lĩnh vực có thể nói là khó nhất: nâng mức chuẩn nghèo để quyết tâm và đạt hiệu quả cao hơn trong mục tiêu làm cho Đà Nẵng mỗi ngày trở nên sống tốt hơn...
Theo đó, mức chuẩn của hộ nghèo sẽ là 1,1 triệu đồng/người/tháng cho khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng đối với các hộ dân ở thành thị. Mức chuẩn này cao hơn chuẩn của cả nước rất nhiều (chuẩn tương đương áp dụng trên toàn quốc hiện nay là 400.000 và 500.000 đồng). Với cách tính chuẩn mới này, tổng số hộ nghèo cả Đà Nẵng là 23.354.
Ghi nhận đầu tiên là với cách tính rất sát với thực tế này, Đà Nẵng thể hiện việc nói “không” với căn bệnh thành tích. Nói cách khác, áp dụng chuẩn nghèo thấp là cách lảng tránh sự thật bức bối, một trong những cách thức dễ dàng cho những người có trách nhiệm “phủi tay” trước nỗi khổ của hàng vạn con người. Đặt ra các tiêu chí thấp để thay đổi là con đường dài nhất (nếu không muốn nói là nguy hại nhất) để xóa đói, giảm nghèo.
Chuẩn đặt ra thấp là sự trốn tránh. Làm sao có thể nói là không nghèo nữa khi mỗi người dân sống trong các thành phố, thị xã có mức thu nhập khoảng 17.000 đồng mỗi ngày (áp dụng chuẩn nghèo 500.000 đồng/người/tháng)? Theo ý kiến cử tri các tỉnh, thành phố kiến nghị với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức chuẩn hộ nghèo ở nông thôn 400.000 đồng/người/tháng trở xuống và ở thành thị từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống là quá thấp so với giá trị vật giá hiện tại(*).
Ghi nhận tiếp theo là chính quyền sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: chi phí xóa nghèo tăng thêm; các ngành, các địa phương sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách nặng nề hơn...
Sự thay đổi từ cách đột phá về nâng chuẩn nghèo của Đà Nẵng rất hy vọng sẽ tạo ra hiệu ứng để các địa phương khác nên có cách nhìn khác – khác ở đây chỉ là cách nói, về sự cần thiết phải tự điều chỉnh trước sự bức bách của thực tế sống. Được biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đáp ứng mức sống tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản (như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin…).
Trong cách xác định chuẩn nghèo theo phương pháp đa chiều thì thu nhập chỉ là một trong những chỉ số để xác định hộ gia đình có phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay không. Phương pháp này sẽ giải quyết được những bất cập, vướng mắc tồn tại trong cách xác định chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, đồng thời phản ánh chính xác hơn tình trạng nghèo của các hộ gia đình (*).
Thật ra, ngoài mức chuẩn được cụ thể hóa bằng các con số của đồng tiền, còn rất nhiều chuẩn nữa cũng phải đổi thay về cách đánh giá, nhìn nhận, công nhận để xã hội tốt đẹp hơn.
Hà Văn Thịnh
(*) Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH trả lời về tiêu chí xác định hộ nghèo. Trang thông tin điện tử Ngân hàng Chính sách xã hội, ngày 10-3-2015.