Nhà máy nước Cầu Đỏ ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ - cách xa cửa biển Đà Nẵng trên 10km, nhưng thời điểm này đang tê liệt hoạt động sản xuất nước thô.
Một thực trạng đang diễn ra là nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất của thành phố đang bị xâm hại nặng nề. Lịch sử ghi nhận dấu mốc nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn kỷ lục với 13.568mlg/lít. Độ mặn này vượt ngưỡng cho phép khai thác sử dụng nước thô để sản xuất nước sạch sinh hoạt gấp 63 lần cho phép.
Tình hình mất an toàn nguồn nước được xác định rõ là do việc quy hoạch, xây dựng các đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn. Các hồ đập đã khai thác nguồn nước để sản xuất điện và hiện nay mất khả năng điều tiết nguồn nước. Sông Cầu Đỏ là nơi khai thác nguồn nước thô để sản xuất nước sạch sinh hoạt cho gần 2 triệu người dân trên địa bàn thành phố đã bị ô nhiễm mặn. Tình hình này đã làm cho hoạt động sản xuất nước thô ở Nhà máy nước Cầu Đỏ bị tê liệt, dừng sản xuất.
Hệ thống nước sạch duy trì trên mạng phân phối 30% sản lượng cung cấp mỗi ngày. Người dân thành phố lại thiếu nước sinh hoạt. Đây là điều nghịch lý khi Đà Nẵng có vị trí địa lý nằm ở hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cùng với đó là nguồn tài nguyên rừng, cùng hệ thống sông suối cuối nguồn của khu vực Bắc Quảng Nam.
Nghịch lý hơn khi thành phố Đà Nẵng là địa phương gánh chịu chi phí tác động từ sự mất an toàn lên nguồn nước sinh hoạt. Đà Nẵng đã xây dựng phương án “chống nguồn nước mặn tại Nhà máy cấp nước Cầu Đỏ”; theo đó, khi nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn thì tùy mức độ sẽ vận hành phương án xử lý. Ở mức độ thấp sẽ điều chỉnh van cửa thu để nhận nước mặt; nếu nhiễm mặn ở mức độ cao chuyển sang nhận nước thô từ trạm bơm An Trạch cách Nhà máy nước Cầu Đỏ 8km về phía thượng nguồn. Thế nhưng, hiện nay, tại Trạm bơm An Trạch cũng khô kiệt, trạm bơm trong tình trạng hứng nước để chuyển về Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Để ứng phó với tình trạng mất an toàn nguồn nước do nhiễm mặn, mỗi năm Đà Nẵng đã phát sinh chi phí khai thác nước thô từ trạm bơm An Trạch trên 20 tỷ đồng; ngoài ra còn phát sinh thêm nhân công, bảo dưỡng, vận hành sản xuất. Kinh phí này hiển nhiên được tính vào giá thành sản xuất nước sạch mà người dân thành phố đã và đang phải gánh chịu.
Mùa khô đã vậy, mùa mưa hạ tầng cấp nước Đà Nẵng cũng là đối tượng chịu tác động của lũ. Tuyến đường ống dẫn nước thô từ Trạm bơm An Trạch về Cầu Đỏ, trong đó có tuyến ống băng qua sông Cầu Đỏ, luôn ở trong tình trạng đứt gãy, cuốn trôi bất cứ lúc nào. Khi sự cố hư hỏng hạ tầng cấp nước xảy ra, hoạt động thu nước tại An Trạch bị ngưng trệ và làm phá sản phương án chống nhiễm mặn nước sinh hoạt ở năm sau.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân thành phố, chất lượng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn; phương án sản xuất nước sạch cấp cho gần 2 triệu người dân cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh đang đứng trước những nguy cơ bất ổn. Hiện các cấp bộ, ngành Trung ương mới dừng lại ở việc ban hành quy chế vận hành liên hồ chứa thủy điện ở khu vực vào mùa lũ.
Ngược lại, quy chế vận hành hồ chứa thủy điện cho mùa khô với 2 nhiệm vụ bảo đảm nước sinh hoạt và nước sản xuất chưa ban hành. Do đó, chính quyền thành phố cần có tiếng nói mạnh mẽ, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan để bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, cần sớm triển khai xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên để khai thác nguồn nước ở lưu vực sông Cu Đê và đây thực sự là giải pháp an toàn nguồn nước lâu dài.
NAM PHƯƠNG