Du lịch thành phố trong 5 năm qua có sự bứt phá rõ nét, tạo những ấn tượng tốt trong lòng du khách, đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn.
Tăng trưởng bình quân du lịch giai đoạn 2011-2015 hơn 20%, tổng doanh thu du lịch tăng hơn 30% góp phần minh chứng cho nhận định đó. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015, Đà Nẵng thu hút hơn 2,2 triệu lượt du khách. Con số này gần bằng thu hút khách du lịch cả năm 2011 của thành phố. Mặc dù gặp những bất lợi từ thị trường khách Trung Quốc giảm sút nhưng năm 2014, Đà Nẵng thu hút 3,8 triệu du khách, tổng doanh thu du lịch gần 9.800 tỷ đồng.
Đà Nẵng đã xác lập những thương hiệu thu hút sự quan tâm theo dõi và ngưỡng mộ của đông đảo du khách trong và ngoài nước như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, chương trình Điểm hẹn mùa hè, các cuộc thi marathon quốc tế, thi dù bay, lướt ván trên sông Hàn… Đà Nẵng được vinh danh top đầu trong số 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2015. Đây thực sự là cơ hội lớn để hình ảnh Đà Nẵng đến gần hơn với thế giới.
Từ trước năm 2000, du lịch Đà Nẵng đã được xác định sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế thành phố. Từ định hướng chiến lược quy hoạch kinh tế song song với quy hoạch đô thị, thúc đẩy kêu gọi đầu tư phát triển du lịch nên đến nay thành phố thu hút 71 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 8,2 tỷ USD. Trong đó, 15 dự án lớn do nước ngoài đầu tư với vốn đầu tư 1,7 tỷ USD. Nhiều thương hiệu khách sạn đẳng cấp nổi tiếng thế giới đầu tư đã góp phần thu hút du khách nước ngoài đến với Đà Nẵng.
Thời gian qua, ngành du lịch có sự quan tâm đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách. Có thể kể đến đó là du lịch nghỉ dưỡng biển và các dịch vụ giải trí biển khá đa dạng. Du lịch sinh thái được tập trung khai thác. Du lịch công vụ, mua sắm được khai thác với nhiều hội nghị, hội thảo cấp quốc gia và quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng. Việc đưa vào sử dụng những công trình trọng điểm mang kiến trúc độc đáo cũng góp phần thu hút du khách…
Thế nhưng, điểm mấu chốt và cũng là hạn chế lớn nhất để thu hút du khách đến với Đà Nẵng nhiều hơn, ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn, đó chính là chưa đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ, tức là còn thiếu chỗ mua sắm, chỗ vui chơi, ăn uống, nghỉ dưỡng đa dạng để du khách chọn lựa. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, chưa hướng đến du khách quốc tế với sản phẩm biểu trưng.
Các dịch vụ giải trí thể thao phục vụ du khách chưa nhiều, giá thành còn cao. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh còn thấp, chưa kể thiếu cảng biển về du lịch. Du lịch đường sông chưa phát triển mặc dù tiềm năng rất lớn. Công tác vệ sinh môi trường bãi biển vẫn còn những vấn đề lo lắng. Đó là chưa kể đến vẫn còn tình trạng “chặt chém” du khách hay biến tướng như “tính nhầm” hóa đơn khiến du lịch thành phố mất điểm.
Việc chèo kéo du khách chưa được xử lý triệt để. Đây là vấn đề nổi cộm của ngành cần được tập trung bàn giải pháp đề từng bước tháo gỡ. Bởi nếu không cải thiện yếu tố này thì rất khó để có thể kéo du khách đến với Đà Nẵng nhiều lần sau...
Đây là những bài toán phải có lời giải sớm nhằm tạo sự ổn định để du lịch thành phố tăng trưởng bền vững hơn.
Mục tiêu đến năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu thu hút 8,95 triệu du khách, trong đó 2,45 triệu du khách nước ngoài. Để đạt con số đó, du lịch Đà Nẵng cần tạo sự đột phá và đề ra những định hướng, cách làm đồng bộ, cụ thể.
Vấn đề được kỳ vọng là Đà Nẵng cần phát huy những lợi thế đã có sẵn, từ đó có những tính toán hợp lý để có nhiều sản phẩm và loại hình dịch vụ du lịch độc đáo hơn nhằm tạo ra một làn sóng thu hút du khách, đi liền với đó là thực hiện tốt công tác đón tiếp và những dịch vụ nhiều tiện ích. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch cần được đẩy mạnh; trong đó chú trọng giới thiệu nét đẹp của văn hóa và con người Đà Nẵng thân thiện, mến khách làm nên bản sắc của thành phố biển. Nói tóm lại, cần làm thế nào để du khách một lần đến Đà Nẵng sẽ thôi thúc quay lại thêm nhiều lần nữa...
DIỆU MINH