Tình hình nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng với 1 triệu dân năm nào cũng trở nên căng thẳng khi đối mặt với mùa nắng hạn. Tình hình nước nhiễm mặn dâng cao, lượng nước đổ về từ sông Vu Gia ít đi do vận hành các hồ thủy điện ở thượng nguồn… là hai yếu tố cơ bản.
Nhà máy nước Cầu Đỏ trong những năm qua buộc phải lấy nước thô từ trạm bơm nước thủy lợi An Trạch trên sông Yên về qua tuyến ống dẫn có công suất bơm nước thiết kế 240.000m3/ngày để thực hiện phương án phòng chống nước nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ.
Được biết, năm 2015, dù đóng hết cửa xả nhưng mực nước ở trạm này vẫn cạn kiệt; nguồn nước cấp cho thành phố Đà Nẵng vì vậy đã giảm đến 30% (80.000m3/ngày đêm). “Vỡ quy hoạch cấp nước đô thị” là một thuật ngữ đang được nhắc đến trong vài năm gần đây. Vì vậy, từ cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã lại phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030-2050, trong đó có điều chỉnh về quy hoạch cấp nước sinh hoạt.
Theo nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt đô thị và sản xuất đến năm 2020 là 420.000m3/ngày đêm và tăng lên gấp rưỡi trong 10 năm tiếp theo. Đà Nẵng phải đầu tư bổ sung công suất 80.000m3/ngày đêm tại Cầu Đỏ lên tổng công suất 250.000m3/ngày đêm… và các nguồn khác từ các quận Sơn Trà, Liên Chiểu…
Tuy nhiên, theo những nhà quản lý, trong khi chưa đầu tư tăng công suất thì Cầu Đỏ lại hoạt động trong tình trạng cầm cự do nguồn nước thô bất ổn bởi tình trạng nước sông nhiễm mặn cao và nguồn nước mặt ở các sông phía thượng nguồn cũng cạn kiệt do vận hành bất hợp lý từ các nhà máy thủy điện.
Đà Nẵng là đô thị động lực của duyên hải miền Trung, dự báo sẽ tăng trưởng mạnh về kinh tế-xã hội trong vài thập niên tới do sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số. Các dự báo nhu cầu sử dụng nước dựa trên quy hoạch tổng thể cho thấy, nguồn nước sạch sinh hoạt và sản xuất sẽ chỉ có thể đáp ứng được dưới 50% nhu cầu của giai đoạn 2020-2030. Biến đổi khí hậu và thiếu đồng bộ trong vận hành các đập thủy điện ở thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn chắc chắn sẽ làm tình hình tồi tệ hơn!
Theo số liệu của Trung tâm Khí tượng thủy văn, hiện xung quanh Đà Nẵng có các hồ chứa: hồ Đồng Nghệ (có trữ lượng 17,7 triệu m3), hồ Hòa Trung (11,23 triệu m3), hồ Trước Đông (2,3 triệu m3) và các đập ngăn như Bàu Nít, An Trạch chỉ dùng cho sản xuất, với khoảng 2.000 hecta canh tác nông nghiệp. Đây là chìa khóa của bài toán đáp ứng nhu cầu còn lại cho nước sinh hoạt trong vài thập niên tới.
Kinh nghiệm lọc nước mặn, tái tạo nguồn nước thải và tích nước ở các hồ chứa nước ngọt nhân tạo ở Singapore theo chủ trương của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là một bài học quý cho Đà Nẵng. Với 5 triệu dân, ngày nay Singapore chỉ còn nhập 30% nguồn nước từ bang Johor của Malaysia, 70% còn lại là từ vận dụng công nghệ lọc nước mặn và xây dựng các hồ chứa nhân tạo, trong đó có hồ chứa Marina nổi tiếng cả về du lịch.
Hệ thống hồ chứa nước quanh Đà Nẵng với tổng dung tích gần 30 triệu m3 nêu trên, nếu được đầu tư nâng cấp, gia cố sẽ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt không nhỏ, đáp ứng nhu cầu trước mắt, trước khi nghĩ đến các giải pháp ngăn mặn lâu dài trên sông Cẩm Lệ, Cầu Đỏ hoặc tái chế nước thải… để đáp ứng nhu cầu lâu dài của quy hoạch, phát triển. Nhưng sẽ là không căn cơ nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng trong ý thức sử dụng nước và tiết kiệm nước lâu bền.
Người dân Singapore nêu những chỉ tiêu rất cụ thể như: “Kiểm tra hóa đơn nước hằng tháng để có biện pháp tiết giảm; chỉ xối nước cần thiết khi tắm; mở lượng nước vừa đủ khi rửa rau, rửa bát; chỉ giặt máy giặt khi đủ công suất máy; dùng nước xả của máy giặt để rửa bồn cầu, sàn nhà vệ sinh; không để cho nước rò rỉ ở các van và mối nối dù chỉ một giọt; chỉ dùng 1/2 lượng nước trong bồn xả có thể làm sạch cầu sau khi đi vệ sinh…”.
Có lúc chính phủ lại kêu gọi mỗi người chỉ cần tắm nhanh hơn 1 phút sẽ tiết kiệm được 10 lít nước! “Điều quan trọng là gần 300.000 hộ dân ở đất nước tôi đều hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ trong việc tiết kiệm nước!”, anh bạn Robert Tan, quản lý tại nhà ga Kembangan đã nói với tôi chuyện này hôm tôi đến xem Sea Games 28 vừa qua.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG