“Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội dải ven biển miền Trung đến năm 2020” được Chính phủ phê duyệt, nguồn vốn huy động đầu tư lên đến 1.314.000 tỷ đồng.
Thành phố Đà Nẵng được “xác định là trung tâm kinh tế biển và là một trong 3 trung tâm kinh tế biển của cả nước…” và “Mục tiêu của việc đầu tư này là nhằm xây dựng dải ven biển miền Trung trở thành vùng kinh tế phát triển, cửa ngõ phía Đông và là một trong các Hành lang kinh tế Bắc-Nam quan trọng của cả nước. Đồng thời nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho cư dân, giảm tỷ lệ đói nghèo cho các tỉnh miền Trung, qua đó giảm chênh lệch vùng miền...”.
Những công trình đầu tư lớn về giao thông (đường cao tốc, sân bay, cảng Liên Chiểu, trung tâm kinh tế biển và hạ tầng du lịch)... nhằm đưa Đà Nẵng trở thành “một trung tâm hạ tầng về hội nghị, hội chợ, hội thảo quốc tế và là trụ cột của 3 tam giác du lịch, trong đó có tam giác Phong Nha-Huế, Đà Nẵng-Hội An, Mỹ Sơn. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng nổi lên với các vị trí đầu tàu về tài chính-tín dụng, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, hướng nghiệp việc làm, an ninh-quốc phòng...”.
Phải nói rằng, trong hơn hai thập niên vừa qua, Đà Nẵng nhận được các nguồn lực tài chính, kỹ thuật lớn và nhờ vậy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã phát triển vượt bậc, không gian đô thị mở rộng gần 4 lần trước đây, nhiều vấn đề về quản lý đô thị, vệ sinh môi trường đã được quan tâm. Đà Nẵng có một lợi thế tự nhiên, từ đó lại càng là một đô thị khá lý tưởng để chọn lựa đến sinh sống và làm ăn của nhiều người, kể cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhưng tất cả những thành tựu đó chưa tạo cho Đà Nẵng một dấu ấn thật sự vượt trội để trở thành một đô thị mang tính “đầu tàu”. Đó mới là mặt nổi của một đô thị, nhưng để trở thành một đô thị lớn đúng nghĩa, Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Bởi cuối cùng, văn hóa vẫn là cái cốt lõi, lâu bền.
Các bảo tàng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, hàng hải, nông nghiệp… đúng nghĩa của một thành phố lớn, kể cả trong các thời kỳ chiến tranh và hòa bình vẫn còn ở giai đoạn ban đầu (hoặc chưa có gì) mặc dù đã 8 năm từ khi quy hoạch được phê duyệt. Hàng vạn hiện vật quý giá của hai cuộc chiến tranh chưa có chỗ trưng bày hợp lý để người dân có thể đến đó soi rọi lại mình và các thế hệ thanh-thiếu niên đến để hiểu về tiền nhân và truyền thống về một mảnh đất nơi mình được sinh ra. Chưa ai nghĩ ra một địa chỉ cụ thể để lưu dấu những nhà văn, nhà văn hóa tiêu biểu của Đà Nẵng trong các thời kỳ lịch sử ngay từ bây giờ để gìn giữ những gì có thể cho mai sau!
Đà Nẵng sẽ có những cảng biển hiện đại, những con tàu viễn dương trọng tải hàng chục vạn tấn... nhưng đâu rồi dấu vết của những làng chài, những công cụ thô sơ một thời của những ngư dân, mà nếu có một bảo tàng nghề biển, thì sẽ thú vị và ý nghĩa biết bao! Cảng Đà Nẵng có bề dày 115 năm xây dựng, nhưng những gì của thuở ban đầu sẽ được giữ lại, kể cả những con tàu cũ, những mỏ neo, hình ảnh những phu khuân vác từng hiện diện trên bến Sông Hàn…
Đi qua những chiếc cầu lớn bắc qua sông Hàn, có ai còn nhớ đến chiếc phà ngang, những bà mẹ Hà Thân, Mỹ Thị chèo những chiếc ghe nhỏ đưa khách qua chợ Hàn? Những nông dân chân lấm tay bùn vùng ngoại ô và vùng Hòa Vang, Cẩm Lệ đang lên “đô thị hóa” rồi sẽ chìm lấp trong cuộc mưu sinh xô bồ vô cảm. Ai sẽ giữ lại hình ảnh, số phận của những làng hoa Phước Mỹ, làng chiếu Yến Nê, các làng rau Bắc Mỹ An, Trung Luơng, Mỹ Thị, Túy Loan, làng chè An Ngãi... nếu không có một sưu tập và bảo tồn những công cụ của những nhà nông bao đời vừa lo cái ăn vừa đánh giặc?
Cả một làng đá Non Nước mỗi năm bán hàng triệu USD hàng mỹ nghệ ra bốn biển từ lao lực của những đôi tay nghệ nhân danh tiếng như Lê Bền, Nguyễn Sang và các hậu duệ của họ... nhưng đã có ai quan tâm xây dựng một bảo tàng cho nghề và cho làng? Mọi theo đuổi hiện nay vẫn chưa thoát ra việc quy hoạch, tái định cư để bảo vệ một danh thắng và ào ạt xuất hiện các cửa hàng “bán đồ đá” mà chất lượng rất không đồng đều…
Quá khứ nghèo khổ tất yếu sẽ được thay thế bằng cuộc sống mới, nhưng nó vẫn cần thiết để con người biết cha ông họ đã lớn lên như thế nào để mà quý trọng hơn những thành quả đã đạt được. Một xứ sở như Hồng Kông với diện tích tương đương Đà Nẵng nhưng họ có đến 20 bảo tàng, kể cả những bảo tàng chuyên ngành về các nghề truyền thống. Đà Nẵng chưa làm được điều đó, kể cả với công dân của mình lẫn du khách.
Quy hoạch và đầu tư cho Đà Nẵng để tạo ra được một “đô thị động lực” còn phải kể đến những thiết chế văn hóa khác: những trung tâm đào tạo về âm nhạc, điện ảnh và các bộ môn nghệ thuật đương đại... Bởi kinh nghiệm cho thấy chính những giá trị văn hóa và lịch sử sẽ đóng góp vai trò quảng bá, làm nổi bật tiếng tăm của một đô thị khi mà những giá trị vật chất luôn bị lịch sử vượt qua như một quy luật tất yếu.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG