.

Chủ trương hợp lòng dân

Chiều 31-8, các bước kỹ thuật để bàn giao Bệnh viện Ung thư cho Sở Y tế Đà Nẵng quản lý đã được tiến hành để hôm nay (1-9), Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chính thức thành lập, trực thuộc Sở Y tế.

Đây là sự kiện đáng chú ý đối với người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân miền Trung nói chung. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tiền thân là Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng), công trình tâm huyết của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Lâu nay, để chữa bệnh ung thư, người dân miền Trung phải khăn gói vào Nam, ra Bắc, chen chúc trong những buồng bệnh vì quá tải.

Hiểu rõ điều đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lúc bấy giờ đã đứng ra vận động cả xã hội cùng chung tay. Từng viên gạch, từng chiếc bàn, cái ghế… cho đến những khoản tiền lớn đã được chuyển về ủng hộ xây dựng Bệnh viện Ung thư to đẹp, mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế là tương đương với một số bệnh viện ở các nước phát triển trong khu vực.

Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn do mô hình chưa phù hợp, dẫn đến lúng túng trong quản lý, vận hành và thiếu kinh phí hoạt động là khó khăn lớn nhất. Báo Đà Nẵng và nhiều tờ báo khác đã có nhiều bài báo nhìn thẳng vào vấn đề, định hướng dư luận. Sau đó, lãnh đạo thành phố đã quyết định chuyển Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng sang hình thức công lập.

Tại nhiều nước, chẳng hạn như Philippines, hay Cuba, về phương diện y tế, tất cả người dân đều được hưởng những điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất, dù là người giàu hay người nghèo. Nhà nước gần như bao cấp toàn bộ cho nền y tế công nhưng vẫn chú ý phát triển nền y tế dịch vụ, lấy lợi nhuận từ các ngành kinh doanh khác và từ các cơ sở y tế dịch vụ tư nhân để duy trì hoạt động hiệu quả của những bệnh viện công.

Với Việt Nam, chữa ung thư luôn là lĩnh vực cần có sự bảo trợ của Nhà nước chứ không thể đặt nặng vấn đề lợi nhuận để người nghèo có thể giảm nỗi lo về kinh tế. Trong cuộc họp Thường vụ Thành ủy vào tháng 7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cũng đã nhấn mạnh: “Dù hình thức nào đi nữa thì bệnh viện không thể thay đổi mục tiêu nhân văn ban đầu là làm tốt công tác khám, chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Khi chuyển sang bệnh viện công lập thì càng phải làm tốt hơn nữa”. Đó là một quyết định đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân.

Bệnh viện mới được thành lập sẽ còn gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và toàn thể y, bác sĩ, cán bộ bệnh viện. Đặc biệt, khi khoa Ung bướu của Bệnh viện Đà Nẵng được chuyển về Bệnh viện Ung bướu sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm như: sự khác biệt về mức thu nhập, môi trường làm việc…

Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách rõ ràng hơn về nghĩa vụ tài chính của bệnh nhân (diện chính sách, bệnh nhân nghèo, bệnh nhân điều trị theo yêu cầu…); chính sách đãi ngộ cho cán bộ quản lý, thầy thuốc, nhân viên sao cho phù hợp với mô hình bệnh viện công lập.

Nếu trước đây, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng trả lương cho y, bác sĩ, cán bộ bệnh viện theo thỏa thuận thì bây giờ trả theo nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức  (từ ngân sách Nhà nước). Ngoài ra, Bệnh viện Ung bướu cần thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo nhằm tiếp tục miễn, giảm viện phí cho người nghèo để người dân Đà Nẵng, Quảng Nam có thể được thụ hưởng nhiều hơn những chính sách nhân văn trên chính mảnh đất quê hương mình.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.