Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa ký Quyết định số 1537/QĐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn bao gồm các hồ thủy điện: A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5 với nhiều điểm thể hiện trách nhiệm và vì đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp ở hạ du hơn.
Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những khó khăn cho hạ du sông Vu Gia do tác động bởi thủy điện và một số điều kiện khách quan cần được quan tâm nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung vào quy trình.
Trước tiên, có thể thấy ngay, đây là bản quy trình tương đối đầy đủ, hoàn thiện và chi tiết, cụ thể cho cả 6 hồ thủy điện có tác động lớn đến hạ du sông Vu Gia, Thu Bồn và áp dụng cho cả mùa lũ lẫn mùa cạn. Về chế độ vận hành trong mùa lũ, so với bản quy trình ban hành ngày 13-10-2010, tổng dung tích phòng lũ của cả 3 hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 tăng từ 126 triệu m3 nước lên 345 triệu m3 và nhờ có thêm hồ thủy điện Sông Bung 4, dung tích phòng lũ được huy động thêm hơn 165 triệu m3 nước.
Từ đó, các hồ được điều hành bằng 2 cấp phòng lũ chủ động trước lũ, đón lũ và sẵn sàng chuyển sang vận hành giảm lũ cho hạ du khi có lệnh của Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam. Quá trình vận hành giảm lũ bảo đảm lưu lượng nước xả về hạ du luôn nhỏ hơn lưu lượng nước về các hồ thủy điện (trừ trường hợp mực nước hồ dâng lên đến mực nước dâng bình thường mà lũ vẫn về thì xả bằng lưu lượng nước về hồ) thông qua các kết quả thực đo từ quan trắc, cập nhật liên tục các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và bảo đảm không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa.
Về chế độ vận hành trong mùa cạn, với việc tăng mực nước khống chế tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa từ 2,53m lên 2,67m và 2,8m, quy trình huy động trữ lượng nước từ các hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 nhiều và hợp lý hơn trước đây. Đặc biệt, quy trình buộc hồ thủy điện Đắk Mi 4 phải xả nước liên tục về sông Vu Gia một cách thường xuyên với lưu lượng xả quy định cụ thể tùy theo cao trình mực nước khống chế...
Tuy nhiên, bản chất của việc thiếu nước là do nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đắk Mi 4 chuyển gần một nửa lưu lượng nước trong mùa khô từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện. Từ năm 2000 đến 2007, trước khi có các NMTĐ hoạt động, Nhà máy nước Cầu Đỏ chỉ có 26 ngày bị nhiễm mặn (trừ năm 2001). Nhưng trong 3 năm qua, kể khi NMTĐ Đắk Mi 4 đi vào hoạt động đến nay có đến 435 ngày bị nhiễm mặn. Việc chọn mực nước khống chế 2,67m làm cơ sở vận hành xả nước thủy điện về sông Vu Gia theo như quy định trong quy trình tưởng chừng hạ du sông Vu Gia sẽ đủ nước, nhưng trong thực tế, tình trạng thiếu nước, nhiễm mặn vẫn là nỗi lo thường trực vì trữ lượng nước mà NMTĐ Đắk Mi 4 xả về lại sông Vu Gia là quá nhỏ.
Một bất lợi nữa cho hạ du là hiện tỷ lệ phân chia nước sông Vu Gia về sông Quảng Huế đã tăng lên gấp đôi so với trước đây, lưu lượng về sông Ái Nghĩa, sông Yên, sông Cầu Đỏ giảm đi và xu hướng này đang tiếp diễn. Lòng sông Quảng Huế đang bị xói sâu và mở rộng, trong khi lòng sông Ái Nghĩa đang bị bồi lấp, đáy sông bị nâng lên. Điều này đồng nghĩa rằng, cùng với một cao trình mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa nhưng lượng nước về hạ du bị giảm đi so với trước đây.
Vì thế, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho rằng, việc chọn mực nước làm tiêu chí khống chế và vận hành xả nước thủy điện chỉ phù hợp với trước đây khi lòng sông Ái Nghĩa tương đối ổn định, còn hiện nay thì tiêu chí này không còn phù hợp nữa do đáy sông Ái Nghĩa không ngừng được nâng lên. Do đó, phải chọn tiêu chí khống chế mới là mực nước kết hợp lưu lượng nước. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp chỉnh trị tại ngã ba sông Vu Gia - Quảng Huế - Ái Nghĩa và nâng cao trình đỉnh đập điều tiết tại cửa sông Quảng Huế từ +2,53m lên +2,9m để đưa tỷ lệ phân nước về sông Ái Nghĩa nhiều như trước đây.
Trước mắt, các NMTĐ có trách nhiệm phối hợp vận hành đúng theo quy định của quy trình để bảo đảm an toàn cho hạ du trong mùa lũ và cấp nước sinh hoạt, sản xuất trong mùa cạn; tăng cường trách nhiệm phối hợp với hạ du để xử lý ngay những vấn đề nóng liên quan đến nguồn nước vì nước sinh hoạt không thể thiếu 1 ngày, lúa đang trổ bông sẽ mất trắng nếu thiếu nước 3 ngày!
HOÀNG HIỆP