.

Chung tay xây dựng thành phố an bình

.

“Đà Nẵng là niềm hãnh diện của Việt Nam. Tôi đã đi qua nhiều thành phố trong nước và thế giới, nhưng về đến Đà Nẵng, tôi thấy thật bình yên”, nữ hoàng nhạc Trịnh – Khánh Ly mở đầu đêm nhạc “Tình khúc cho em” của mình tại Nhà hát Trưng Vương như thế và bà đã nhận được những tràng pháo tay tưởng thưởng nồng nhiệt. Đêm nhạc hôm ấy hay hơn rất nhiều, bởi người nghệ sĩ và người thưởng ngoạn dường như đã hòa quyện vào nhau trong một không gian an bình, mặc cho nghệ thuật dẫn dắt.

Nhưng sáng hôm sau, nhiều người vẫn còn phải đối mặt với một thực tế không mấy du dương như trong khán phòng ca nhạc, bởi những lo lắng, bất an thường nhật: ra đường sợ tai nạn giao thông, cướp giật, kẹt xe, ngập nước; đến nhà máy, xí nghiệp lo tai nạn lao động, đi chợ lo thực phẩm thiếu an toàn, đến bệnh viện lo không được chăm sóc chu đáo, đưa con đến trường học lo con không được đối xử công bằng…

Đó là những nỗi lo hiện hữu, ngoài ra còn biết bao những lo lắng mơ hồ về những cám dỗ tinh quái rình rập ở mọi nơi, như cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy và hơn thế nữa. Những tệ nạn này làm cho nhiều gia đình tan nát, đạo đức con người tha hóa, văn hóa xã hội xuống cấp. Chính quyền dù có cố gắng lắm cũng không kiềm chế nổi. Trong khi trường học không đủ chỗ cho con em học ngày hai buổi, thì phải bỏ tiền xây thêm trại giam, nhà tù, nhưng vẫn không đủ chỗ chứa tội phạm.

Đường sá và phương tiện giao thông ngày càng hiện đại, nhưng tai nạn thì dường như không giảm. Trường học, công sở đã khang trang hơn, nhưng ai dám bảo đảm chất lượng đào tạo, chăm sóc y tế được nâng lên tương ứng. Chính quyền tìm mọi cách cải cách hành chính, nhưng ai dám bảo công chức đã hết nhũng nhiễu…  

Có một thực tế nhãn tiền là, xã hội phát triển từng ngày, nhưng vẫn còn đó ngổn ngang những tệ nạn, bất công, cạm bẫy làm cho người ta không thể yên lòng; những quan liêu, yếu kém của hệ thống chính quyền làm cho nhiều người thêm nản lòng. Nỗi lo hiện tại đày đọa con người, còn những nỗi lo về tương lai làm cho người ta thêm nhụt chí. Vậy làm sao xây dựng được một môi trường sống tốt/một thành phố đáng sống?

Thiết nghĩ, để xây dựng thành phố an bình và sống tốt, chính quyền phải làm nhiều việc, nhưng cũng rất nhiều việc phải bắt đầu từ chính ý thức, việc làm của người dân. Luật pháp dù có hoàn chỉnh đến đâu cũng khó lòng bao quát hết những gì diễn ra trong đời sống, cơ sở vật chất dù có hiện đại như thế nào cũng không thể lường hết những vấn đề của người dân đô thị, nhất là trong những tình huống khẩn cấp. Do vậy, từng người dân cũng như cả cộng đồng phải ý thức được trách nhiệm công dân và vị trí là thành viên trong cộng đồng của mình.

Khi xã hội phát triển, cuộc sống trở nên bận rộn, nhiều người luôn cảm thấy căng thẳng và không bao giờ hài lòng với những gì mình có. Họ ghen tị với vinh quang của người khác và tự dằn vặt mình kém cỏi, rồi họ biến cuộc sống thành một cuộc chạy đua để tranh giành những thứ tiền bạc, địa vị, danh vọng… Niềm vui khi nhận được điểm 9 sớm phai đi, nhưng lòng đố kỵ với kẻ được điểm 10 vẫn còn ở lại trong tâm trí thì cuộc sống của mỗi người và cộng đồng làm sao có thể bình an.

Chính quyền, đoàn thể phải thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, dân trí, rèn luyện ý thức tự giác, xây dựng thói quen công nghiệp, hướng dẫn kỹ năng sống ở đô thị và đặc biệt tăng cường ý thức, tinh thần cộng đồng cho người dân. Cần xúc tiến biên soạn giáo trình văn minh đô thị phù hợp với đặc điểm của thành phố và đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường phổ thông để hình thành những thế hệ mới thấu hiểu cuộc sống và văn hóa, văn minh đô thị.

Và quan trọng hơn là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, biết lo cái lo của dân, biết làm những điều dân mong muốn. Phải thiết kế một thể chế nâng niu từng chuyển động tốt, dung nạp được văn minh của nhân loại, kiểm soát được quyền lực. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội đã khó, nhưng còn khả dĩ hơn là xây dựng một xã hội nền nếp, công bằng, dân chủ, văn minh. Nhưng không có công bằng, dân chủ, văn minh, thử hỏi làm sao có được thành phố an bình?

Đà Nẵng đã có được những thành quả về xây dựng “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”; đã có những chính sách xã hội giàu chất nhân văn. Đồng thuận xã hội dễ tạo nên những xung lực lớn cho phát triển. Cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế đang tạo ra giá trị trong các hoạt động kinh doanh, lòng tự trọng của mỗi người, ít ra cũng phải điều chỉnh hành vi cho hợp văn hóa. Văn hóa là môi trường của một thành phố an bình, là động lực thôi thúc người ta sống tốt. Sự phối hợp giữa chính quyền - doanh nghiệp - các tổ chức và các hoạt động xã hội phải tạo ra cho được những nền tảng cho văn hóa phát triển.

Cuộc sống còn nhiều rủi ro, niềm tin càng mong manh. Để xây dựng thành phố thành nơi có chất lượng sống tốt thì phải củng cố niềm tin, giảm thiểu những lo lắng. Một khi sự an toàn của người dân chưa được bảo đảm thì sự lo lắng, bất an là điều dễ hiểu. Xây dựng thành phố an bình không chỉ làm cho người dân khi ra đường không còn lo lắng, mà còn phải làm sao ngăn chặn tệ nạn xã hội, đói nghèo và bất công; xây dựng môi trường sống lành mạnh, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị phù hợp; xây dựng nền kinh tế xanh, bảo vệ tài nguyên, môi trường - di sản của cha ông để lại. Hơn nữa, còn phải xây dựng môi trường làm việc và môi trường xã hội lành mạnh, đề cao các giá trị nhân văn, đạo đức được coi trọng, tài năng được trọng dụng, người yếm thế phải được chở che, tình người luôn ấm nóng ở mọi nơi; tiêu cực, tham nhũng, bất công không có đất sống…

Tôn giáo quan niệm bình an là báu vật, là của cải lớn nhất của con người. Thật ra, bình an là một giá trị của đời sống. Xây dựng thành phố an bình là kế thừa và cụ thể hóa mục tiêu nêu ra từ các đại hội trước, là bảo đảm sự bình an cho mỗi người và cho tất cả mọi người. Thành phố an bình là thành phố sống tốt. Xây dựng thành phố an bình là xây dựng một thành phố sống tốt. An bình là giá trị cốt lõi của thành phố đáng sống.

Vậy thì, mọi người còn chờ gì nữa, hãy chung tay xây dựng Đà Nẵng thành thành phố an bình, như thông điệp từ Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng.

Võ Công Trí

;
.
.
.
.
.