Thực ra đây là câu chuyện không mới khi đề cập đến vấn đề phát triển du lịch, nhưng là đề tài luôn luôn “nóng” ở các địa phương có nhiều khách du lịch mà Đà Nẵng nằm trong số đó.
Vì sao chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện này trên các diễn đàn, các phương tiện truyền thông… mà vẫn không đến nơi đến chốn, không thẩm thấu trong cộng đồng dân cư, trong các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động du lịch?
Mới đây, ngày 6-11, khi gặp gỡ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan giữ gìn an ninh trật tự của thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh buộc phải ra một mệnh lệnh cho công an và các ngành chức năng trong việc giữ gìn trật tự giao thông, trật tự công cộng và đấu tranh phòng chống tội phạm. Bởi thời gian qua, tình hình an ninh trật tự của Đà Nẵng diễn biến phức tạp, gây bất an cho người dân, làm cho du khách trong và ngoài nước lo ngại khi đến Đà Nẵng tham quan du lịch; hình ảnh một Đà Nẵng “bình an, đáng sống” bị ảnh hưởng rất nhiều.
Ngay sau mệnh lệnh của Bí thư Thành ủy, các lực lượng công an và một số ngành chức năng liền ra quân ngay, trước hết là trật tự an toàn giao thông đã nhanh chóng được lập lại. Công tác tuần tra ban đêm được triển khai triệt để từ tối cho đến sáng, đã ngăn chặn có hiệu quả nạn chạy xe lạng lách, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là trộm đêm…
Tuy chưa hoàn toàn như mong muốn, nhưng người dân đã có sự hài lòng bởi các lực lượng chức năng đã hành động có trách nhiệm để bảo vệ sự bình yên cho mọi người, mọi nhà.
Điều gì đặt ra từ câu chuyện nói trên?
Ai cũng dễ dàng nhận thấy là không phải chúng ta không có lực lượng để hoạt động nhằm đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm, cũng như trong việc giữ gìn trật tự giao thông, trật tự công cộng. Mà ở đây chính là vấn đề chúng ta có làm hay không và làm đến đâu.
Một căn bệnh lâu nay thường thấy là chúng ta hay làm theo “pha” theo “đợt”… rồi sau đó “xả hơi”, thế là tình trạng cũ tái diễn, nhưng tội phạm thì hoạt động lại tinh vi hơn, phức tạp hơn. Nếu chúng ta làm liên tục thì trật tự công cộng, trật tự giao thông sẽ dần dần đi vào nền nếp, trở thành lối sống có văn hóa của mọi người khi tham gia giao thông, tham gia các hoạt động công cộng. Còn tội phạm, nếu chúng ta thường xuyên có những giải pháp mạnh mẽ, tích cực phòng chống chặt chẽ và đấu tranh có hiệu quả, tất yếu sẽ giảm thiểu các vụ án, cuộc sống yên bình của nhân dân sẽ được duy trì, tạo cơ hội cho du lịch phát triển.
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng, khi nói đến việc giữ chân du khách ở Đà Nẵng là tình trạng “chặt, chém” ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống; nhất là khi vào mùa cao điểm du lịch, hay sự kiện bắn pháo hoa, thì chuyện “chặt chém” trở nên nóng bỏng.
Cách đây không lâu, có du khách Hà Nội than phiền khi vào quán ăn ở đường Hoàng Sa đã bị chặt chém với số tiền gấp đôi so với thực tế. Hay một số khách sạn cố tình giữ phòng đến giờ chót để tăng giá, bắt chẹt du khách. Thậm chí, để thu lợi nhuận cao, hàng chục khách sạn ở quận Sơn Trà không sử dụng nước máy mà nước tự khai thác chưa qua kiểm định có thể gây nguy hiểm cho du khách.
Một ví dụ khác tuy không phải xảy ra ở Đà Nẵng nhưng đáng để cho chúng ta suy nghĩ; đó là có một du khách người Anh khi đi du lịch Việt Nam về đã viết trên trang cá nhân của mình rằng anh sẽ không đến Việt Nam nữa vì bị đối xử phân biệt như: giá chai nước lọc bán cho người địa phương chỉ 6.000 đồng mà bán cho anh gấp đôi; hay trong cái nhìn của mọi người với anh không thân thiện làm cho anh mất cảm xúc… khi anh tự bỏ tiền túi ra để đi tìm hiểu về đất nước và con người nơi đây. Tuy vụ việc đó không phải là tất cả nhưng dù sao cũng làm cho chúng ta xót xa, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quảng bá, thu hút khách du lịch.
Đây quả là việc khó, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, hợp tác từ nhiều phía, nhất là ở các cơ quan quản lý, các đơn vị, cá nhân làm du lịch và cả cộng đồng. Nhưng không thể nói là chúng ta không có cách làm để tạo dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
Trước hết, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, bên cạnh các biện pháp căn cơ thì việc thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và kịp thời xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm sẽ có tác động tích cực, ngăn chặn những hành vi làm xấu đến môi trường du lịch. Nếu chúng ta buông lỏng thì hậu quả của nó tác động tới môi trường du lịch rõ ràng ngay.
Đối với các đơn vị, cá nhân làm du lịch và cả cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình hoạt động du lịch phải coi việc tạo ra môi trường du lịch hấp dẫn, gây ấn tượng tốt đẹp với du khách là liên quan đến lợi ích cả vật chất và tinh thần của mình. Vật chất ở đây, chính là lợi nhuận trực tiếp của các đơn vị, cá nhân làm du lịch đóng góp cho nền kinh tế địa phương và cả nước; đồng thời tạo ra nhiều việc làm, có đời sống sung túc cho xã hội và cá nhân. Còn về tinh thần, chính là có thêm nhiều bạn bè trong và ngoài nước đến Đà Nẵng tìm hiểu về con người, về đời sống, sản xuất và danh lam thắng cảnh…
Thật khó nói hết những khía cạnh để giữ chân du khách, nhưng điều căn bản chính là chúng ta phải tạo ra môi trường sống bình an, thân thiện, hay như điều mà nhiều người đã nói, đã kỳ vọng về Đà Nẵng, đó là “thành phố đáng sống”. Đây cũng chính là mục tiêu trước mắt và lâu dài mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố để ngày càng văn minh tốt đẹp hơn.
TUYẾT MINH