.

Nghĩ thêm về Ngày Nhà giáo Việt Nam

.

Hôm nay là lần thứ 33 nước ta tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Thực ra, từ năm 1958, người Việt đã tổ chức tôn vinh người thầy giáo và nghề dạy học vào đúng ngày 20-11 là thời điểm mà BCH Công đoàn Giáo dục Việt Nam phổ biến toàn văn bản Hiến chương các nhà giáo - được Ủy ban hỗn hợp Liên đoàn quốc tế các nhà giáo nhất trí thông qua tại cuộc họp lần thứ 19 ở Mátxcơva vào hai ngày 9 và 10-8-1954 - đến các trường học, các cơ quan giáo dục miền Bắc, đồng thời thông tin đến giáo giới và học sinh, sinh viên miền Nam.

Như vậy, Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo đầu tiên ở nước ta được tổ chức chỉ một năm sau sự kiện hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Warszawa quyết định lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, và đến năm 1982 thì mới chính thức có tên gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Lời mở đầu bản Hiến chương các nhà giáo năm 1954 nêu rõ: “Các nhà giáo phải thực hiện một chức trách quan trọng trong xã hội vì giáo dục trẻ em là một vấn đề cốt tử, không chỉ cần cho sự phát triển cá nhân, mà còn cho sự tiến bộ của toàn xã hội (…). Chấp nhận việc phát triển tính cách cá nhân của trẻ như mục tiêu của giáo dục, giáo viên phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập”.

Qua đây có thể thấy sở dĩ hằng năm cả xã hội - chứ không chỉ học trò và người có con đi học - dành một ngày cho người thầy giáo là bởi công việc thường nhật của người làm nghề dạy học được đánh giá là một vấn đề cốt tử, không chỉ cần cho sự phát triển cá nhân, mà còn cho sự tiến bộ của toàn xã hội.

Có điều muốn được cả xã hội tôn vinh, người thầy giáo phải lao tâm khổ tứ không chỉ để soạn bài, giảng bài, chấm bài và thực hiện nhiều tác nghiệp sư phạm khác, mà còn và quan trọng hơn là phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập. Có lẽ đây mới là điều mà mỗi người làm nghề dạy học phải luôn ngẫm nghĩ trong suốt quá trình thụ nhân/trồng người của mình chứ không chỉ trong Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm.

Từ đó cũng có thể thấy món quà có ý nghĩa nhất mà từng người học dành cho cô giáo/thầy giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam là kết quả hình thành nhân cách của chính bản thân mình - trong đó một thành tố rất quan trọng là tư duy độc lập. Và những người dạy học chân chính luôn mong đợi món quà vô giá ấy từ học trò mình, chứ không phải là các quà tặng đắt tiền và ngày càng trở nên thực dụng. Kết quả hình thành nhân cách bản thân không cao, thiếu tư duy độc lập thì khó có thể nói là người học - nhất là người học đã trưởng thành và từ cổng trường đã bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, thể hiện đầy đủ lòng tri ân đối với những người có công dạy dỗ mình.

Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, trước năm 1982, khi còn được gọi là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, không ít người dạy học cảm thấy khổ tâm chạnh lòng khi nghe ai đó bảo nhau: Lại sắp đến ngày quốc tế hiến… cam các nhà giáo! Đương nhiên cũng có những trái cam ngọt ngào tình cảm thầy trò và thấm đẫm tinh thần tôn sư trọng đạo, nhưng dường như qua cách nói mang màu sắc trào phúng dân gian ấy, những cô giáo/thầy giáo có lòng tự trọng đã cảm nhận được tình trạng lệch chuẩn của một thời điểm vốn rất có ý nghĩa trong đời sống xã hội và truyền thống đạo đức dân tộc.  

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, số đông những người làm nghề dạy học ở nước ta một lần nữa cảm thấy ấm lòng khi chứng kiến sự quan tâm ngày càng sâu sắc của xã hội đối với nhiều vấn đề của ngành giáo dục và đào tạo, chẳng hạn như với số phận môn Lịch sử trong trường phổ thông đang làm nóng hội trường Quốc hội mấy ngày qua... Số đông những người làm nghề dạy học ở nước ta cũng cảm thấy tự hào về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình - ngay Báo Đà Nẵng số ra hôm qua cũng có bài giới thiệu một trong những gia đình mà cả nhà “chung tình yêu nghề giáo”.

Và cũng chính trong những ngày này, đọc lại Lời mở đầu bản Hiến chương các nhà giáo năm 1954, không ít người dạy học cảm thấy mình vẫn chưa làm hết trách nhiệm của người khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập, vẫn thấy đâu đó vẫn còn tình trạng “thầy đọc trò chép” hoặc biến tướng thành “thầy chiếu trò chép”. Nếu không lấy người học làm trung tâm, xem người học là chủ thể quá trình đào tạo thì rất khó hình thành những thế hệ người Việt có tư duy độc lập, có khả năng tự quyết định và nhất là khả năng thoát khỏi sự ràng buộc của những định kiến quen thuộc song đã lỗi thời.

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, số đông những người làm nghề dạy học ở nước ta cũng cảm thấy mình vẫn chưa làm hết trách nhiệm nghề nghiệp khi đã bảy mươi năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà kỳ vọng của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ nêu trong thư: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”, vẫn đang còn là… kỳ vọng.

Tất nhiên công phu học tập mà Bác Hồ nói ở đây nhất thiết phải được bảo đảm bởi một nền giáo dục có đủ khả năng Bác từng nhấn mạnh trong bức thư trên: “làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của người học”, hay bởi một nền giáo dục có đủ khả năng “tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập” như đòi hỏi của Hiến chương các nhà giáo sau bức thư Bác Hồ chín năm.

Chỉ có một nền giáo dục hiện đại và nhân bản như thế mới có thể khơi nguồn sáng tạo để làm cho Việt Nam trở nên phồn thịnh và nhờ vậy mà dân tộc ta mới có cơ hội sớm thoát khỏi thân phận nhược tiểu và bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.