.

Đừng để mất niềm tin hàng Việt

.

Theo khảo sát qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2009-2014, có hơn 85% người Việt tin dùng hàng Việt.

Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người dân bày tỏ bất bình, phản ứng quyết liệt trước việc Ban tổ chức Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2015 đã thiếu trách nhiệm trong tổ chức, quản lý, để cho hàng ngoại, hàng không nhãn mác, xuất xứ, kém chất lượng… tràn vào tại hội chợ  - nơi đáng lẽ chỉ để tôn vinh hàng Việt!

Người dân bất bình, bởi sự thiếu trách nhiệm đó đã ảnh hưởng đến niềm tin mà phải mất một thời gian dài các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể… trong cả hệ thống chính trị vào cuộc mới gầy dựng được trong lòng dân.

Trong nỗ lực gầy dựng đó, phải kể đến công sức của biết bao doanh nhân Việt Nam trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa thời đại hội nhập, là những cố gắng tìm tòi cách làm mới của cơ quan chức năng để hàng Việt thực sự lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, trong đó có cả sự đánh thức lòng tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam…

Vậy nên, việc tổ chức thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các đơn vị liên quan đã ảnh hưởng đến cuộc vận động dùng hàng Việt của cả nước.

Lý giải sao đây khi người dân đến với hội chợ hàng Việt nhưng đối mặt với rất nhiều hàng ngoại, hàng không nhãn mác, xuất xứ… được bày bán tràn lan với giá cả cũng thiếu sự kiểm soát? Lý giải với người tiêu dùng sao đây về việc nhập nhằng nhãn mác hàng hóa theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”; đau đớn hơn là lợi dụng sự tin tưởng của người tiêu dùng về hàng Việt để lấy hàng giá rẻ của Trung Quốc và biến thành hàng Việt?

Lý giải sao đây với các doanh nghiệp hàng Việt chân chính chạy đôn chạy đáo tìm kiếm thị trường, cơ hội để quảng bá thương hiệu mà họ đang dày công vun đắp, để khẳng định sức mạnh của doanh nghiệp Việt; nhất là các doanh nghiệp đó cũng đang đặt niềm tin vào một nhà tổ chức chuyên nghiệp, chân chính để cơ hội quảng bá thương hiệu của họ hiệu quả hơn, xứng với đồng tiền bát gạo họ bỏ ra?

Lý giải sao đây với các tiểu thương, khi họ đăng ký thì không kiểm soát, để họ đóng tiền tham gia vào hội chợ rồi muốn làm gì thì làm, bán hàng gì cũng được?...

Rõ ràng, quá nhiều câu hỏi đặt ra đối với nhà quản lý, nhà tổ chức trong sự kiện này. Nhưng câu hỏi lớn nhất chính là nhà tổ chức đã ý thức sâu sắc, cụ thể rằng Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2015 là “một trong những hoạt động cụ thể và tiêu biểu nằm trong định hướng tổng thể các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 được phê duyệt và triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt Nam ở cả trong nước và xuất khẩu” như Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu chỉ đạo ngay tại phiên khai mạc hội chợ này hay không?

Vấn đề đặt ra lúc này chính là khi ý thức dùng hàng Việt của người dân và doanh nghiệp được nâng lên, thì trách nhiệm của những nhà quản lý, cơ quan chức năng… cũng phải được nâng theo tương ứng; để từ đó có hướng giải quyết sự việc một cách rõ ràng, có trách nhiệm.

Từ đó, mới tổ chức những sự kiện liên quan đến hàng Việt một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn; mới củng cố niềm tin của người tiêu dùng, để lòng tự hào về hàng Việt ngày càng đứng vững hơn trong thời hội nhập, cạnh tranh đầy khốc liệt này.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.