Việc tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) sẽ được làm nhiều hơn nữa dịp trước, trong Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, nhất là tập trung kêu gọi người dân “Hãy là người tiêu dùng thông thái!”.
Lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông Đà Nẵng thừa nhận: Được yêu cầu thì chúng tôi cũng phải “phát” ra câu này thôi, nhưng thiệt tình chính mình cũng không thể nào “thông thái” khi thực phẩm thật giả lẫn lộn, chẳng biết đường nào lần, đến máy móc còn khó nhận ra huống chi mắt nhìn bình thường.
Vài năm trở lại đây, Đà Nẵng “ăn may” khi không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn. Cơ quan chức năng thừa nhận là “ăn may”, bởi bên cạnh ngộ độc tức thì, còn có kiểu ngộ độc từ từ dẫn đến chết do bệnh chỗ khác chứ không hẳn chỉ vì đau bụng.
Song, muốn những cái “chết từ từ” đó được dẹp bỏ, chí ít từ khâu ăn uống, các cơ quan quản lý thực phẩm cấp thành phố cũng khó làm triệt để khi vấn nạn thực phẩm bẩn là chuyện đại sự mang tầm quốc gia.
Tuy vậy, trong phạm vi của mình, thành phố cũng phải hành động để nguồn hàng sản xuất ngay tại Đà Nẵng và hàng nhập về được kiểm soát đạt mức an toàn cho phép. Nói như Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, làm ra nhiều tiền mà mang tiền đi chữa bệnh thì khó giàu nổi. Muốn phát triển kinh tế, trước hết phải phát triển về mặt sức khỏe, chứ cái kiểu xây bệnh viện nào ra cũng chật cứng người đi khám chữa bệnh là không xong!
Đó cũng là lý do mà hôm qua UBND thành phố triệu tập tất cả các đơn vị liên quan các cấp về ATVSTP họp bàn phương án lâu dài cho chuyện ăn sạch, uống sạch thường ngày.
Ngay lời mào đầu, ông Đặng Việt Dũng mong muốn: Nói một lần cho hết, cho ra vấn đề, không ngại đụng chạm. Quản lý thực phẩm khó thì biết rồi, giờ đề xuất giải quyết cái khó ấy ra làm sao, thiếu cái gì, cần thêm cái gì thì được.
Với sự gợi mở đó, có nhiều cái hẳn sẽ được nói một lần cho hết. Vậy mà tiếc là rốt cuộc còn nhiều cái sẽ phải nói lại, nói tới, nói lui, bởi một số lãnh đạo các ngành và các bộ phận liên quan chưa tranh thủ, hoặc không muốn tranh thủ, hay không đủ nắm bắt chính vấn đề do mình đang quản lý để tranh thủ bày đạt rõ ràng hết những giải pháp của bài toán ATVSTP.
Có Sở vắng mặt lãnh đạo đứng đầu vì bận, có đơn vị lặp lại những điều đã cũ kỹ, nhiều cán bộ cấp dưới thành phố thì chỉ biết ngồi lắc đầu bảo “làm không nổi, làm không nổi”.
Nói bao giờ cũng dễ, đúng là nhảy vào làm thiệt thì mới thấy có quá nhiều cái “làm không nổi”. Nhưng, để làm cho nổi thì cần những cái gì, anh được giao nhiệm vụ thì anh phải nói ra người ta mới biết.
Có cảm giác như vì thực phẩm được quá nhiều ngành quản lý, nên có vẻ ATVSTP là lĩnh vực được rất nhiều sự quan tâm, nhưng cũng lại là vấn đề rất dễ... thả nổi vì “cha chung, ai khóc?”. Theo phân cấp quản lý, hạt bột nêm nếu ở ngoài chợ thuộc anh công thương, hạt bột nêm đó nằm trong cơ sở kinh doanh, sản xuất phụ gia thực phẩm lại thuộc y tế.
Nếu người bán hủ tiếu mua bột nêm “đểu” về chế biến mà bị phát hiện, vậy việc để lưu thông hạt bột nêm đó sẽ do ai chịu trách nhiệm, hay trách nhiệm lại thuộc về... cảnh sát môi trường và đoàn liên ngành?
Sự lúng túng và không rõ đầu mối chịu trách nhiệm cao nhất về ATVSTP khiến cho cái khó trong quản lý dễ biến thành cái “làm lơ”.
Một số đề xuất quản lý ATVSTP được nêu trong thời gian tới là sản phẩm các nơi đạt tiêu chuẩn VietGap mới được nhập vào Đà Nẵng và thực hiện thỏa thuận giám sát liên vùng, bên cạnh đầu tư sản xuất thực phẩm sạch tại chỗ. Hy vọng tới lúc đó, người tiêu dùng không cần nỗ lực “thông thái” để tự trả lời cho chính mình đâu là thực phẩm có thể được. Còn trước mắt, Tết này, hãy là người tiêu dùng thông thái!
TOÀN VÂN