.

Bình mới, đừng để rượu cũ

.

Từ ngày 4-1, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố chính thức có hiệu lực. Theo giải thích của nhà điều hành, tỷ giá này sẽ được tham chiếu từ ba cấu phần chính: (1) tỷ giá từ “rổ tiền tệ” của một số nước có quan hệ đối tác lớn, (2) tỷ giá từ thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, (3) từ các chỉ số kinh tế vĩ mô.

So với cách công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng như trước đây, tỷ giá hiện nay được khoác lên một cái tên mới, nhưng linh động hơn, có thể tăng/giảm hằng ngày. Riêng biên độ +/- 3% vẫn giữ nguyên, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được ấn định tỷ giá giao dịch trong phạm vi cho phép.

Về bản chất, cơ chế tỷ giá mới vẫn trung thành theo mô thức thả nổi có kiểm soát. Tuy nhiên nếu “phân vai” trách nhiệm, rõ ràng gánh nặng thử thách hiện nay phần lớn chuyển sang hệ thống NHTM và người sử dụng ngoại tệ (doanh nghiệp + người dân + nhà đầu cơ).

Trong khi đó, NHNN đã chính thức từ bỏ những tuyên bố có tính truyền thống lâu nay về định hướng cam kết ổn định tỷ giá, đồng nghĩa với giảm tải áp lực rủi ro lên nhà điều hành và quỹ dự trữ ngoại tệ. Các NHTM một mặt phải đảm bảo trạng thái ngoại tệ theo luật định, mặt khác phải tính toán “ra giá” hợp lý để đáp ứng cung cầu thị trường.

Doanh nghiệp từ đây phải cân nhắc sử dụng nhiều hơn các công cụ phát sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Bài toán này không hề đơn giản, nếu không muốn nói là sẽ đẩy thêm chi phí kinh doanh trong trường hợp mua bán ngoại tệ kỳ hạn liên tục phát sinh lớn.

Đã đến lúc giữa NHTM và doanh nghiệp cần có sự gắn kết khăng khít hơn trên cơ sở đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngoại hối với chi phí hợp lý nhất, thay vì chỉ đơn thuần “mua đứt/bán đoạn” như lâu nay.

Trong lĩnh vực quan hệ cung cầu thì “tín hiệu thị trường” là tiêu chí quan trọng nhất. Với cơ chế mới, người cầm chịch câu chuyện này không ai khác hơn NHNN, chỉ NHNN mới có đủ thẩm quyền và các thông tin cần thiết để quyết định phát tín hiệu tỷ giá trung tâm ra thị trường tiền tệ. Cần lưu ý, tỷ giá trung tâm thể hiện vai trò quản lý Nhà nước của ngân hàng Trung ương, nhưng tỷ giá giao dịch thị trường phải là công việc kinh doanh của các NHTM.

Làm sao đó để không lẫn lộn chức năng theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, hướng đến sự công khai minh bạch, góp phần bình ổn tâm lý, hạn chế tình trạng đầu cơ trục lợi, trên nguyên tắc luôn tôn trọng những quy luật thị trường.

Như vậy, một khi thị trường biến động mạnh bởi nhiều lý do khác nhau, tỷ giá trung tâm vẫn có thể được thay đổi vài lần/ngày thay vì chỉ công bố mỗi ngày một lần như hiện nay, tương tự như việc công bố tỷ giá mua bán rất linh hoạt của NHTM.

Một trong những kỳ vọng khác ở cơ chế tỷ giá mới ban hành là làm sao góp phần hạn chế tình trạng đô-la hóa vốn dĩ còn nhiều nặng nề trong nền kinh tế. Sau khi áp lãi suất về không (0), NHNN ngụ ý sẽ tiếp tục đánh phí ngoại tệ khi cần thiết, đã có hiện tượng “chạy” tiền gửi USD ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Người dân luôn có tâm lý xem USD là tài sản cất trữ có giá, sẵn sàng đánh đổi thiệt hại để chờ xem tỷ giá mới biến động thế nào. Nếu phá giá VNĐ vẫn là xu hướng chủ đạo thì NHTM chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm sút mạnh mẽ nguồn huy động ngoại tệ trong tương lai gần, tiếp tục làm tăng thêm áp lực lên lãi suất tiền gửi và cho vay.

Xem ra việc mạnh tay giảm lãi/tăng phí chưa phải là kế sách lâu dài nhằm giảm tình trạng “đô-la hóa”, nếu không khéo lại khiến cho dòng tiền ngoại biến tướng sang những chiêu thức ngầm càng khó kiểm soát hơn. Cần so sánh việc đi vay ngoại tệ từ ngân hàng nước ngoài lãi suất thương mại 4-5%/năm với tạo điều kiện thu hút nguồn lực nhàn rỗi trong dân, ai được/ai mất. Đây chính là bài toán mang tính tổng thể cần phải được giải đáp trước khi đánh giá hiệu quả thực sự của cơ chế điều hành tỷ giá mới.

ĐOÀN PHÚC

;
.
.
.
.
.