Lâu nay, hình ảnh người nghèo thường gắn cảnh túng thiếu, phải chạy ăn từng bữa. Thế nhưng, ngày nay, đời sống kinh tế càng phát triển, người nghèo - nhất là người nghèo ở chính các đô thị - không chỉ thiếu tiền mà còn nghèo xét theo nhiều phương diện khác như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch - vệ sinh, thông tin...
Đó là một nội dung lớn trong Đề án giảm nghèo trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 được triển khai tại hội nghị về giảm nghèo do UBND thành phố tổ chức ngày 7-1.
Thật ra, giảm nghèo đa chiều là khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Xác định hộ nghèo để giúp họ vươn lên thoát nghèo thì chung quy cũng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, mức sống cho con người.
Thực tế tại Đà Nẵng cho thấy, nhiều người dù đã thoát nghèo theo tiêu chuẩn nhưng vẫn chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ về y tế, giáo dục... Và công tác giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững vì thiếu nhiều phương diện.
Có những hộ vừa thoát khỏi danh sách hộ nghèo, hôm sau chỉ cần bị bệnh hiểm nghèo là lại rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Có những hộ khó khăn chứ chưa có tên trong danh sách hộ nghèo nhưng cái nghèo luôn chực chờ bởi không có nhà ở, không có thẻ bảo hiểm y tế…
Và những nhu cầu cần thiết đối với cuộc sống như: nhà ở, khám chữa bệnh… tại cộng đồng vẫn còn thiếu ở một bộ phận người chưa nghèo và người mới thoát nghèo. Vì vậy, để giảm nghèo bền vững, phải xem xét hộ nghèo ở nhiều phương diện, đa ngành. Không hẳn chỉ thiếu tiền là nghèo.
Xét hộ nghèo theo phương pháp mới, giảm nghèo đa chiều sẽ tạo nên bộ phận nghèo mới nổi. Như vậy, cùng với việc hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, việc cần làm sắp đến là hỗ trợ để họ có thể tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để làm được như vậy, thành phố phải quy hoạch, đầu tư, bố trí nguồn ngân sách hợp lý để phát triển các dịch vụ thiết yếu tại các vùng, các khu vực nghèo khó để người dân được dễ dàng tiếp cận. Đây là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá mức sống của con người và là thước đo sự phát triển của một địa phương hoặc một quốc gia.
Ngoài ra, cần đầu tư thích đáng các giải pháp giảm nghèo đô thị theo hướng: coi trọng việc đầu tư vốn, hỗ trợ người nghèo tham gia học nghề phù hợp; hỗ trợ vốn để phát triển kinh doanh dịch vụ, gia công…
Có chủ trương, có chính sách, đồng thời cũng phải có cách làm mới so với trước đây. Cách làm này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, chứ không phải và không thể chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành nào. “Phải đổi mới trong cách làm, bắt đầu ở việc tuyên truyền”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo. Có phải chỉ cần hô hào hoành tráng với pa-nô khẩu hiệu đầy đường? Có phải chỉ cần tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị với những nhiệm vụ chung chung là đủ? Chia sẻ của một người nghèo tại Hội nghị triển khai đề án giảm nghèo về hoàn cảnh và sự vươn lên để thoát nghèo làm cả hội trường xúc động.
Nhưng giá như chia sẻ của chị không chỉ dừng ở hội nghị với người nghe hầu hết là lãnh đạo thành phố và các địa phương, đơn vị. Giá như những chia sẻ, cách làm hay đó đến với nhiều người dân hơn nữa, người nghèo hơn nữa thì tác động của nó sẽ lớn đến chừng nào!
Cái mới bao giờ cũng đi kèm với cái khó. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, cái khó nhất chính là ở lòng người, ở sự quyết tâm. Mỗi địa phương cần xem giảm nghèo là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư giảm nghèo là đầu tư cho phát triển và bảo đảm an sinh xã hội.
Khi đó, một khách sạn, nhà hàng xây lên, không thể có chuyện lao động địa phương thất nghiệp, trong khi lao động nước ngoài vào làm những công việc giản đơn. Khi đó, sự ra đời của các doanh nghiệp tại địa phương cũng phải gắn liền với công tác tạo việc làm, an sinh xã hội, nơi chính họ đang được hưởng những chính sách ưu việt tại địa phương đó. Có như vậy, công tác giảm nghèo mới thành công, mang lại hiệu quả thực chất và bền vững.
PHƯƠNG TRÀ