.

Thế hệ lãnh đạo mới

.

Chiều 26-1, Đại hội lần thứ XII của Đảng thông qua kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương và công bố danh sách 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.

Nhân dân cả nước kỳ vọng đây thực sự là những hạt nhân tiêu biểu, hội đủ tâm, tài, đức để tiếp tục gánh vác sự nghiệp đổi mới của Đảng, đưa Việt Nam tiếp tục thực hiện thành công công cuộc đổi mới được Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong 30 năm qua; tạo những thành quả mới trên chặng đường mới.

Trước Đại hội XII, công tác nhân sự được Đảng ta chuẩn bị thật sự chu đáo, kỹ lưỡng. Suốt 3 năm qua, một quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã được Đảng dày công xây dựng và thực hiện nghiêm túc. Trung ương mở 6 lớp đào tạo lý luận đặc biệt.

Tất cả ứng viên vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII phải trải qua những lớp đào tạo đó. Ngay trong Ban Chấp hành Trung ương cũng thực hiện một chương trình học tập, nghiên cứu lý luận từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghe những chuyên đề lý luận mới, cập nhật những kiến thức mới mang tầm nhìn tư duy chiến lược. Việc làm này không chỉ góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng hẫng hụt về cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của Đảng trong nhiệm kỳ tới, mà còn phục vụ cho các nhiệm kỳ tiếp sau.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Đảng đánh giá cao công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XII. Đảng ta đã thực hiện những bước rất thận trọng. Thứ nhất là tiến hành thăm dò. Thứ hai là ghi phiếu tín nhiệm. Đặc biệt, Quy chế bầu cử tại Đại hội XII có thể xem là một bước tiếp tục cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.

Theo bản Quy chế này, đối với các đại biểu dự Đại hội không phải Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, việc ứng cử, đề cử là rất dân chủ, tín nhiệm ai thì đại biểu có quyền đề cử và có quyền tự ứng cử, kể cả việc giới thiệu những đảng viên chính thức không dự Đại hội.

Còn các đồng chí ở trong Ban Chấp hành khóa XI, những người đã trực tiếp tham gia thảo luận và có quyết nghị tập thể về việc giới thiệu nhân sự chuẩn bị trước đại hội, nếu không có trong danh sách đề cử mà được các đại biểu giới thiệu tại Đại hội thì đồng chí ấy sẽ có cách ứng xử phù hợp với trách nhiệm và ý thức tổ chức đối với quyết nghị về nhân sự mà trước đó mình đã tham gia bàn và biểu quyết.

Đối với các đồng chí xin rút, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ xem xét, đề xuất, báo cáo xin ý kiến Đại hội quyết định việc cho rút hay không. Đó chính là công việc chốt danh sách trước khi tiến hành bầu cử.

Nhân dân cả nước mong muốn và đặt niềm tin vào những đồng chí lãnh đạo đủ đức, đủ tài, dám làm, dám nhận trách nhiệm trước dân, trước Đảng để kế tục sự nghiệp cách mạng, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Niềm tin đó được gửi gắm: Sau Đại hội, đất nước phải có chuyển biến rõ rệt trong đời sống chính trị cũng như trong mọi mặt đời sống của nhân dân. Nhất là không để tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên kéo dài làm suy giảm niềm tin vào Đảng. Đó là phải làm thế nào để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, không để cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất. Bởi sinh thời, Bác Hồ - Người sáng lập ra Đảng ta, chỉ rõ “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Lợi mình, hại cho nhân dân càng không bao giờ được làm”.

Nhân dân cả nước và kiều  bào ta ở nước ngoài mong muốn và tin tưởng những người được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII phải là những người có tầm nhìn, có đạo đức, trí tuệ, những người hết lòng vì dân, vì nước, không có lợi ích nào đặt lên trên lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Có như thế, mỗi người trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mới xứng đáng là đại biểu của hàng triệu đảng viên, những người tiên phong hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Diệu Minh

;
.
.
.
.
.