.

Thưởng Tết

.

Khi bạn đọc cầm tờ báo Đà Nẵng số đầu tiên ra ngày thứ bảy hôm nay (9-1), còn đúng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân. Thế nên, chuyện cuối tuần này, cũng là chuyện râm ran suốt tuần qua của mọi người, nhất là người làm công ăn lương – không gì khác hơn ngoài chuyện thưởng Tết.

Và chuyện bàn tán nhiều nhất là thưởng Tết cao nhất bao nhiêu. Khi Đà Nẵng công bố con số 200 triệu đồng, nhiều người “tròn mắt” không hiểu con số này rơi vào doanh nghiệp nào, cụ thể là người nào; thế nhưng con số khủng chưa dừng ở đó, bởi thành phố Hồ Chí Minh công bố số thưởng Tết -  mới là Tết Dương lịch, nhưng con số đã lên gấp 10 lần - 2 tỷ đồng! Không biết như vậy thì thưởng Tết Nguyên đán là bao nhiêu nữa?

Chuyện thưởng Tết ở nước ta - chưa có nhiều nghiên cứu nhưng có thể nói xuất hiện từ lâu đời rồi. Bởi đó là chuyện tri ân người lao động. Từ thời phong kiến, Tết đến xuân về, những người chủ cũng có phần quà tấm bánh cho người làm công.

Thế nên, ngày nay, nói chuyện thưởng Tết không có gì là mới. Chỉ mới là ở cách người ta ngóng đến số tiền cao nhất và đồn đoán râm ran không biết số tiền thưởng “vô địch” đó dành cho ai, người nào xứng đáng nhận số tiền đó và số tiền đó có thực sự trao cho người xứng đáng được nhận hay không...

Nhớ thời bao cấp, tùy theo sự năng động, vận dụng của từng địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, chuyện thưởng Tết cũng lắm điều bàn.

Vì thực hiện chế độ phân phối, nên địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nào giỏi quan hệ, tích góp… thì thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên, người lao động cân nếp, ký thịt, cả chuyện lá gói bánh chưng, bánh tét… Có doanh nghiệp thưởng Tết bằng chính sản phẩm mình làm ra. Chừng đó cũng thấy râm ran, bàn tán, thảo luận suốt cả tháng trời trong niềm ngóng đợi của tất cả mọi người.

Đến thời kinh tế thị trường, chuyện thưởng Tết trở thành… thước đo giá trị của người lao động và sự quan tâm của thủ trưởng cơ quan, của chủ doanh nghiệp. Thế nên, cũng có lắm chuyện bàn khi đến mùa thưởng Tết, nhất là nỗi lo đang dồn lên vai người thủ trưởng.

Những năm trước, râm ran chuyện thưởng Tết của giáo viên, nhất là ở miền núi, vùng cao, vùng xa, khi thưởng Tết chỉ dừng ở gói mì chính, mấy lạng hạt dưa, có nơi chỉ là câu động viên cửa miệng. Tình hình sau đó được một số nơi cải thiện bằng cách “linh hoạt” để lại những khoản đáng ra giáo viên nhận hằng tháng, quý đến cuối năm mới trả gọi là… thưởng Tết.

Rồi đến khối công chức hành chính. Từ khi khoán chi hành chính, có cơ quan “sáng tạo” bằng cách tích dồn tiền từ khoản tiết kiệm khoán cả năm để dành… thưởng Tết cho oai...

Làm cả năm, đến Tết thì phải thưởng, bởi mọi người đều mong ngóng. Nhưng từ cái cách “chạy vạy” để thưởng Tết đó, mà hãy nghĩ đến điều sâu xa hơn, chính là công việc và thu nhập hằng ngày, hằng tháng. Có nơi cả năm làm ăn bết bát nhưng cố gắng “sáng tạo” để có khoản thưởng Tết cao nhằm làm yên lòng người lao động, như thế thì chuyện thưởng Tết chẳng còn có ý nghĩa gì.

Thế nên, có thưởng Tết cao thì vui; được “cao nhất” thì càng tự hào. Nhưng cao nhất vẫn là sự sẻ chia thực sự, “giàu cùng hưởng, khó cùng chia”, chứ không phải nhất thiết nhìn vào con số công bố “cao nhất” đó mà ngậm ngùi, mất đi cái vui thực sự của ngày Tết!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.