.

Từ chuyện "cụ rùa"

.

Chiều tối 19-1, xác “cụ rùa” - người dân trân trọng gọi như thế nổi lên mặt hồ Gươm, Hà Nội. Sinh tử là chuyện thường tình, dù rùa là loài động vật trong bộ “tứ linh” và được liệt vào nhóm sống thọ; nhất là khi con rùa này đã bị thương và được chữa trị từ gần 4 năm trước.

Cụ rùa hồ Gươm được gắn với sự tích trả lại kiếm thần ở hồ Gươm từ thời Lê Lợi - Lê Thái Tổ; từ đó hồ Tả Vọng được đổi tên thành hồ Gươm, hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm. Vì gắn với sự tích nên “cụ rùa” hồ Gươm đến nay vẫn còn mang trong mình những câu chuyện được thần thánh hóa và được dân gian trân trọng gọi “cụ rùa”. Nhiều nhất là những câu chuyện truyền miệng gắn với việc “cụ rùa” nổi lên liên quan đến những sự kiện trọng đại của đất nước.

Thế nên, không có gì lạ khi nhiều thông tin lợi dụng chuyện rùa hồ Gươm chết trong ngày 19-1 gắn với chuyện Đại hội lần thứ XII của Đảng; từ đó đưa những thông tin bịa đặt, xuyên tạc liên quan đến sự kiện trọng đại này của Đảng, của đất nước.

Thông tin nhiễu đến nỗi, có người cho rằng, cơ quan chức năng ngăn cấm đưa tin về việc rùa hồ Gươm chết. Trả lời báo chí bên lề phiên họp trù bị Đại hội XII của Đảng, Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ nói: “Một số thông tin trên mạng cho rằng hình như có sự ngăn cấm thông tin. Tôi khẳng định, không ai ngăn cấm cả. Vấn đề là cách chúng ta đưa tin. Việc ra đi là đáng tiếc, cũng buồn, xót xa. Nhưng tuổi thọ của “cụ rùa” hàng trăm năm, dịp này thời tiết Hà Nội rất lạnh, “cụ” không gắng được nữa thì “cụ” ra đi. Vì thế, đó cũng là việc bình thường. Không nên suy diễn là điềm gì đó”.

Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin toàn cầu, thì chuyện xã hội cần thông tin là việc cần thiết; thế nhưng việc thông tin suy diễn, xuyên tạc… là điều cấm kỵ đối với tất cả các quốc gia, dân tộc, tổ chức, cá nhân.

Điều đó không chỉ là quy ước trong đời sống xã hội của con người từ xa xưa mà được luật hóa nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của mỗi tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, suy diễn… của những tư tưởng chống phá, thù địch; vì còn những thông tin chính thống, chính xác chưa nhanh nhạy tiếp cận đời sống xã hội.

Câu chuyện này được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đề cập khi trao đổi với báo chí bên lề Đại hội XII của Đảng. 

“Chúng ta không những tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng mà cũng phải có trách nhiệm, lập luận để đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước phải thực hiện nghiêm chỉnh, tốt hơn nữa quy chế cung cấp thông tin và người phát ngôn để kịp thời thông tin một cách chính thống, nhanh nhạy, nhất là những thông tin của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội và các hoạt động của các địa phương để góp phần dùng thông tin chính thống đẩy lùi thông tin tiêu cực, dùng thông tin tốt đẩy lùi thông tin xấu. Có như vậy, thông tin tốt, lành mạnh có đất sống hơn, làm thông tin xấu, độc hại không có đất sống trên môi trường của ta”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Trong quá trình phát triển của đất nước, dĩ nhiên sẽ không thiếu những ngọn gió độc; nên việc nâng cao tinh thần cảnh giác, năng lực đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc, suy diễn… với ý đồ xấu là chuyện cần phải tập trung hơn nữa, trong giới truyền thông nói riêng, trong xã hội nói chung!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.