Từ ngày 1-1-2016, Đà Nẵng áp dụng chính sách chuẩn nghèo mới. Đây là một trong những nội dung quan trọng đã được thông qua tại nghị quyết kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa VIII tổ chức vào tháng 7-2015. Thông tin này thực sự có giá trị với hơn 2.000 hộ dân trên toàn thành phố, bởi họ là những đối tượng mới được thụ hưởng từ việc điều chỉnh chính sách này.
Theo đó, mức chuẩn nghèo được áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 được quy định mức thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Mức này cao hơn chuẩn nghèo của cả nước vừa được Thủ tướng ký quyết định ban hành, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, với mức thu nhập 700.000 đồng/người/tháng (nông thôn) và 900.000 đồng/người/tháng (thành thị).
Áp dụng mức chuẩn nghèo mới, thành phố sẽ có 23.354 hộ nghèo, chiếm 9,18% tổng số hộ dân toàn thành phố. Kinh phí Đề án giảm nghèo theo chuẩn mới khoảng 430 tỷ đồng, tăng 26,64% chi phí giảm nghèo của giai đoạn trước.
Xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước tập trung ưu tiên chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều thập kỷ qua. Nguyên nhân là bởi mặt bằng của đời sống kinh tế trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đây là một trong những mục tiêu quốc gia nên trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng chạy đua theo căn bệnh thành tích.
Dưới áp lực “giảm nghèo”, đã nhiều gia đình ngậm ngùi bị rút khỏi danh sách hộ nghèo do chỉ tiêu hộ nghèo của địa phương năm sau phải thấp hơn năm trước. Trái ngược với những con số báo cáo thành tích, là cuộc sống của nhiều gia đình vẫn loay hoay trong bài toán cân đối chi tiêu, đảm bảo cuộc sống.
Thực tế này không chỉ làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, người nghèo không được tiếp cận các chế độ phúc lợi xã hội mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn khác do không thoát khỏi vòng luẩn quẩn của bài toán “cơm - áo - gạo - tiền”.
Khi thực hiện nghị quyết về chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo của Đà Nẵng tăng hơn 2.000 hộ. Dù tăng, nhưng đây là bước đi tiến bộ, loại bỏ căn bệnh thành tích cũng như tình trạng “giấu nghèo” đang còn khá phổ biến.
Điều chỉnh chuẩn nghèo tất yếu sẽ có thêm nhiều người nghèo mới, nhưng bù lại, người nghèo sẽ được quan tâm, chăm lo nhiều hơn, “đáy” nghèo sẽ được nâng lên một mức. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin sẽ rất thuận tiện. Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng tiến hành điều chỉnh, nâng mức chuẩn nghèo cao hơn mặt bằng chung cả nước.
Cũng nên nhìn nhận một cách khách quan rằng, việc áp dụng chuẩn nghèo cho cả một giai đoạn đã không phản ánh đúng, kịp thời cuộc sống thực chất của người dân. Trong khi mức thu nhập của họ trong một giai đoạn là cố định (mức chỉ tiêu để đánh giá hộ nghèo) thì các chi phí sinh hoạt liên tục biến động không ngừng, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Chuẩn nghèo áp dụng cho một giai đoạn không thể phản ánh đúng mức việc cân đối thu-chi của người dân. Chính vì thế, việc liên tục thay đổi chuẩn nghèo, nâng chuẩn nghèo là bước đi cần thiết, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của chính quyền thành phố đối với cuộc sống, nhu cầu thực chất của người dân.
Với nhiều chính sách ưu tiên, người nghèo sẽ có thêm một số quyền nhất định trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, trợ cấp khó khăn, điều mà nếu tự thân vận động, họ rất khó thực hiện vì chi phí quá cao so với thu nhập thực tế. Và một khi bài toán kinh tế, chi tiêu của hàng ngàn hộ dân có sự chung tay, chia sẻ của chính quyền thì chất lượng cuộc sống ắt sẽ nâng cao, niềm tin sẽ được củng cố.
PHAN CHUNG