.

Mấy bài học từ "Xin Chào"

.

Mấy bữa nay, nói đến hai tiếng “Xin Chào” là người ta biết ngay vụ việc liên quan đến chuyện chủ quán cà-phê “Xin Chào” ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh do chậm làm thủ tục đăng ký kinh doanh chỉ mới 5 ngày mà bị quy tội vi phạm luật hình sự, bị truy tố ra tòa. Đồng thời, cùng với đó là tinh thần, thái độ nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo xử lý kịp thời của các cấp, từ Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ vụ việc, đem lại công bằng cho nhân dân; từ đó cũng xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm.

Vụ việc xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng qua cách xử lý, cho thấy những bài học cần thiết cho các địa phương trên cả nước.

Trước hết, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần hết sức tỉnh táo, bất cứ vụ việc nào đều phải xuất phát từ lợi ích, quyền lợi của người dân, đặt mình vào hoàn cảnh của người dân mà xem xét, xử lý. Bất cứ việc gì cũng phải đặt quyền lợi nhân dân và đất nước lên trên hết, không hình sự hóa các vụ việc chỉ mang tính chất hành chính, dân sự…

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ một trong các nhiệm vụ cấp bách là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp, lực lượng tạo ra của cải cho xã hội. Những lực cản gây khó cho doanh nghiệp, bao gồm cả hoạt động tư pháp, tố tụng cần được tháo gỡ. Vụ việc hình sự hóa quán Xin Chào là bài học “nóng” cần được rút kinh nghiệm.

Chính phủ là cơ quan điều hành mọi hoạt động của đất nước, không kể lớn hay bé. Vụ việc này, sau khi báo chí lên tiếng, Thủ tướng vào cuộc ngay, chỉ đạo quyết liệt nên mọi việc đã được giải quyết nhanh gọn, rõ ràng,  hiệu lực, hiệu quả. Dư luận và nhân dân rất ủng hộ và đồng tình phong cách  điều hành “Vì  dân” của Thủ tướng.

Báo chí bao giờ cũng là kênh thông tin quan trọng, góp phần thúc đẩy dân chủ hóa xã hội, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Trong sự kiện này, báo chí đã chủ động thông tin, tạo dư luận xã hội cần thiết để không hình sự hóa một vụ án chỉ mang tính chất dân sự.

Tại Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 22-4 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhắc nhở trách nhiệm xã hội của báo chí và những người làm báo, lời dạy của Bác Hồ về báo chí: Báo chí không được đặt mình trên nhân dân, trên lợi ích đất nước. Báo chí có dũng khí, việc gì có lợi cho dân, cho đất nước thì kiên quyết làm, không né tránh. Người làm báo bám sát, nắm chắc, chủ động thông tin nhanh nhạy, sắc bén trên tinh thần xây dựng các sự kiện liên quan đến cuộc sống của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội  là một trong những tiêu chí hàng đầu, góp phần nâng cao chất lượng báo chí.

Thực thi pháp luật thiếu sự phối hợp đồng bộ, vội vã, chủ quan, phiến diện sẽ gây ra những hệ lụy khó lường, gây  nguy hại cho xã hội. Những vụ án oan, oan sai – người gánh chịu hậu quả nặng nề không gì bù đắp được là người dân. Những điều xảy ra ở quán Xin Chào là bài học chung cho các cấp, các ngành, các địa phương.

Phạm Quốc Toàn

;
.
.
.
.
.