.

Muốn khen, đâu có dễ!

Cuộc họp trực tuyến toàn quốc về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) sáng qua 27-4 còn nêu một vấn đề “nổi cộm” không kém chuyện rau bẩn, thịt độc, đó là việc tuyên truyền thông tin trên báo chí thời gian qua chỉ nặng ở chiều phản ánh cái xấu.

Bên cạnh ý nghĩa tích cực phơi bày thực trạng, việc đưa liên tục thông tin thực phẩm ô nhiễm vô tình gây “tác dụng phụ”, khiến bức tranh chung về ATTP tưởng như chỉ toàn màu xám xịt. Các bộ, ngành mong muốn giới truyền thông giảm nói cái xấu và tăng nói cái tốt; tức đưa đến độc giả, khán, thính giả nhiều hơn thông tin về nơi sản xuất, chế biến, buôn bán thực phẩm an toàn.

Nói vậy, nhưng để phản ánh trung thực về những cơ sở có thực phẩm sạch đúng nghĩa không hề đơn giản. Lòng thối, thịt dơ, bò “ngậm” nước, rau nhiễm hóa chất, v.v… nếu được phát hiện thì cái xấu hiện lên rõ mười mươi, không cần bàn cãi. Nhưng muốn phản ánh về một địa điểm có thực phẩm sạch 100% lại vô cùng mơ hồ. Đến nay, ngay cả nếu yêu cầu cơ quan chức năng chỉ mặt, điểm tên rau nào sạch, cá nào chắc chắn không hóa chất khi đến tay người tiêu dùng thì lực lượng này cũng còn lúng túng.

Lấy ví dụ về các vùng rau sạch Đà Nẵng, rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGap từ giống, đất, nước cho đến thu hoạch… rồi xong. Ra tới chợ và quầy hàng thì rau “xuất thân” từ vùng sạch hay không sạch cứ thế “cá mè một lứa”. Sáng 27-4, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng còn cho hay, đơn vị này đang nghiên cứu làm bao gói, nhãn mác thí điểm cho rau Túy Loan và khoảng… vài tháng nữa rau Túy Loan sẽ được nhận diện dễ dàng trên các quầy, sạp.

Đến bây giờ, việc nhận diện rau sạch do chính thành phố mình sản xuất còn chưa đâu ra đâu, thì làm sao các nhà báo từ trước đến nay có thể dám mạnh dạn khẳng định với người tiêu dùng chỗ này, chỗ kia bán rau đúng sạch? Vấn đề ở đây là thông tin thực phẩm giả thật lẫn lộn đã tồn tại quá lâu và không được làm rõ cái nào sạch, cái nào bẩn, để qua đó thực phẩm sạch thích đáng được ngợi ca.

Thêm một điều rất mâu thuẫn nữa là trong khi khía cạnh “vệ sinh” và “an toàn” của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ luôn được ghép cho cụm chữ “còn hạn chế” trong rất nhiều báo cáo thanh tra, kiểm tra, tổng kết về ATTP, thì tỷ lệ các cơ sở liên quan đến đồ ăn, thức uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP lại luôn đạt rất cao, thậm chí đạt gần 100%! Một cán bộ làm công tác kiểm tra ATTP có lần tâm sự: Việc thẩm định và cấp giấy đủ điều kiện ATTP hiện nay dễ dãi quá. Thẩm định dễ, cấp giấy nhanh.

Nơi nào cũng có một tấm giấy “thông hành” để trưng ra rằng: Tôi sạch, nhưng kiểm tra thực tế sạch hay không thì lỗi có đầy. Như vậy, không thể chỉ dựa vào tờ giấy này mà cánh truyền thông có thể nhẹ dạ truyền lan “mặt tốt”.

Thống kê mới nhất về chất lượng thực phẩm trên phạm vi toàn quốc có điều rất đáng lưu tâm: Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau chỉ chiếm từ 5-7%; tồn dư kháng sinh trong thịt từ 6-7% và chất cấm trong thủy sản từ 1,5 đến dưới 2% trên tổng số mẫu được kiểm tra. Như vậy, có đến hơn 90% trên tổng các mẫu được kiểm tra đạt mức an toàn. Nhưng chừng này đâu đủ để có thể tạm yên tâm về thực phẩm, khi kết luận vẫn chỉ là những con số chung chung hoặc chỉ mới xét nghiệm vài chỉ tiêu cơ bản. Vậy “màu hồng” đôi khi khó “tô” gấp bội lần “màu xám”.

THU HOA

;
.
.
.
.
.