.

Cai thuốc lá… nửa vời

.

Câu chuyện phòng, chống tác hại thuốc lá đã và đang được cả thế giới quan tâm. Ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, việc phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn chưa hiệu quả, thậm chí rất nửa vời.

Liên tiếp trong ba ngày 28, 29 và 30-5, hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5), Sở Y tế Đà Nẵng phối hợp UBND các quận Cẩm Lệ, Hải Châu và huyện Hòa Vang tổ chức mít-tinh, tuyên truyền tác hại của thuốc lá và kêu gọi cả xã hội chung tay hành động vì môi trường sống khỏe mạnh, trong lành, không khói thuốc.

Tuy nhiên, đằng sau những băng-rôn, biểu ngữ, các đoàn xe diễu hành là một bức tranh đáng ngại, đáng báo động về việc sử dụng thuốc lá hiện nay. Tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi, kể cả những điểm công cộng mà luật hiện hành đang cấm hút thuốc; trong những quán cà-phê đông đúc, những chuyến xe đò nóng nực hay dọc hành lang công viên, văn phòng công sở…

Khói thuốc “tràn” vào cả khuôn viên bệnh viện - nơi có những lá phổi đang đối mặt với thời khắc sinh tử. Việc tuyên truyền, giáo dục người dân trong phòng, chống tác hại thuốc lá, có lẽ vì vậy vẫn cấp bách hơn bao giờ hết. Điều dư luận băn khoăn nhất là dù đã làm nhiều cách, nhưng mục tiêu về một môi trường không khói thuốc liệu có quá xa vời?

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, ngày 18-6-2012 thông qua Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, có hiệu lực chính thức từ ngày 1-5-2013. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị trước tình trạng sử dụng thuốc lá tràn lan, bừa bãi.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định rõ trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của Nhà nước, người sản xuất, kinh doanh, người sử dụng thuốc lá với những chế tài cụ thể. Tuy vậy, đối chiếu với thực tế, sau 3 năm luật được áp dụng, các vi phạm pháp luật trong phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn thường xuyên diễn ra như: vi phạm quảng cáo tại các điểm bán thuốc; kiểm soát việc mua, bán chưa chặt chẽ; hút thuốc tại các điểm công cộng vẫn phổ biến… Trong khi đó, quyền xử phạt lại được trao cho nhiều đơn vị.

Theo một lãnh đạo UBND quận Hải Châu, sau 3 năm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, địa phương này vẫn… chưa xử phạt trường hợp nào vi phạm! Đó cũng là câu trả lời của nhiều cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, khi được hỏi về việc áp dụng các chế tài xử phạt trong mua, bán, hút thuốc lá.

Cũng theo vị lãnh đạo này, phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn tập trung ở tuyên truyền, giáo dục và nhắc nhở là chính. Trong khi đó, công tác tổ chức còn nhiều bất cập do thiếu lực lượng chuyên trách, triển khai dàn trải và thiếu nghiêm túc, đặc biệt ở những điểm công cộng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay “Hãy sẵn sàng thực hiện đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn” để hạn chế quảng bá, kích thích người tiêu dùng bằng những mẫu mã hấp dẫn, bắt mắt. Theo Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Đà Nẵng (Sở Y tế), chủ đề này đã được triển khai ở một số nước phát triển từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu quả hay không, việc chấp hành các quy định có tuyệt đối hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào… ý thức và sự tự giác của người mua, người bán, nhà sản xuất thuốc lá chứ không phải dựa vào các chế tài.

Vì vậy, có thể nói, việc triển khai phòng chống tác hại thuốc lá hiện nay, giống với chuyện cai thuốc lá… nửa vời!

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.