Theo công bố của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản đã lên đến 5,4 triệu tỷ đồng (tương đương 240 tỷ USD). Khối tài sản khổng lồ này đang ngày càng có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát của bộ máy quản lý. Câu chuyện thời sự đặt ra là nên hay không nên thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu, tách bạch với chức năng quản lý Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Liệu rằng Việt Nam có học tập được những gì từ mô hình quản lý vốn Nhà nước của Temasek Holdings (Singapore) hoặc Trung Quốc?
Vốn Nhà nước, hiểu theo nghĩa rộng bao hàm cả vốn bằng tiền và tài sản sở hữu toàn dân đưa vào sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp. Những tài sản này, thay vì được tư nhân hóa/hoặc cổ phần hóa để minh định quyền sở hữu/quyền sử dụng, gắn đồng tiền liền khúc ruột, đề cao tinh thần trách nhiệm, trí óc sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng, thì Nhà nước lại ôm đồm nhưng không đủ khả năng quản đến nơi đến chốn, gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng và tiêu cực nghiêm trọng. Những lĩnh vực Nhà nước không cần thiết nắm giữ lẽ ra phải quyết tâm sớm thoái vốn hoàn toàn. Những ngành cần chi phối thì phải có cơ chế phù hợp để lựa chọn ra những người thực tài, biết cách dùng tài sản được giao sao cho ích nước lợi nhà. Vướng mắc lớn về tư duy quản lý hiện nay nằm ở chỗ quá nặng nề về phân biệt “tài sản ông/tôi”, xem tài sản quốc gia như là của riêng Nhà nước phải quản, nhưng thực ra là “cha chung không ai khóc”; trong khi đó, yêu cầu số một của cơ chế thị trường là phân bổ nguồn lực một cách tối ưu lại không được quan tâm một cách đầy đủ.
Ý tưởng về thành lập một định chế chuyên trách độc lập làm chức năng đại diện quyền chủ sở hữu chắc chắn không làm thay đổi được thực trạng yếu kém trong quản lý và sử dụng vốn Nhà nước lâu nay, thậm chí sẽ làm cồng kềnh hơn nữa bộ máy quản lý, gây chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng. Cốt lõi của vấn đề lúc này không phải là đi tìm người đại diện hợp pháp mà cần chỉ ra và đa dạng hóa những địa chỉ sử dụng vốn sao cho có hiệu quả nhất. Tham khảo mô hình Temasek cho thấy, đây là một trong những cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore, 100% thuộc sở hữu của Bộ Tài chính. Với những ưu thế mạnh mẽ về thể chế pháp trị minh bạch, cơ chế thị trường hiện đại, cộng với trách nhiệm chính trị, tính kỹ trị và tính chuyên nghiệp cao đã tạo điều kiện cho Temasek phát triển, uy tín ngày càng cao trong cộng đồng kinh doanh và tài chính, không chỉ trong nước mà còn vươn ra toàn cầu. Phương thức đầu tư của Temasek chủ yếu thông qua mua cổ phần các công ty kinh doanh dựa trên tầm nhìn, năng lực thẩm định và kỹ năng giao dịch đàm phán chuyên sâu. Nói cách khác, họ đang hành động theo kiểu ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng làm được, đó là biết cách “Đứng trên vai những người khổng lồ”.
Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước SCIC của Việt Nam từng một thời mong ước phát triển theo mô hình Temasek nhưng thực ra đã vấp phải thất bại ngay từ đầu. Cũng không nên tập trung trách cứ SCIC chỉ biết mãi loay hoay với những phi vụ thoái vốn, ngồi tận hưởng cổ tức “đẻ trứng vàng”, gửi tiền ngân hàng hưởng lãi, đầu tư “theo chỉ định” vào một số các dự án khủng đang có dấu hiệu bể bạc. Nguyên nhân xuất phát từ “cái tâm/cái tầm” của định chế này bị giới hạn bởi những ràng buộc thể chế không thể vượt qua, có muốn làm khác đi cũng không được, càng tồn tại nhiều kẽ hở cơ chế thì càng có cơ hội để lạm dụng. Có hai phương án đặt ra, một là có thể tiếp tục nâng cấp SCIC theo những tiêu chuẩn quản trị mới để đảm nhận vai trò đại diện quyền sở hữu Nhà nước, hai là nếu thành lập một định chế mới thì nên xem xét lại sự tồn tại của SCIC để tránh phân tán, chồng chéo nhằm tinh gọn bộ máy?
Tuy nhiên, để mang lại những thay đổi thực chất trong quản lý tài sản Nhà nước, vấn đề không còn nằm ở chỗ nên hay không nên thành lập một cơ quan độc lập chuyên trách đại diện quyền sở hữu, mà trước hết phải soát xét lại toàn bộ thể chế và bộ máy quản lý hiện hành, những gì không còn phù hợp thì nên sớm sửa đổi, kể cả đổi mới (theo nghĩa xóa bỏ cái cũ) cả về tư duy/con người/tổ chức cụ thể. Nhà nước cần dũng cảm tự giải phóng mình khỏi áp lực quản lý tràn lan, “ôm rơm nặng bụng”, mạnh dạn chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho những chủ thể có trách nhiệm trong cộng đồng xã hội. Phương án ổn thỏa nhất lúc này là giao cho Bộ Tài chính được ủy quyền đứng ra làm đại diện quyền chủ sở hữu Nhà nước cấp Trung ương, cấp địa phương giao lại cho các Sở Tài chính trực thuộc. Thời gian đến cần tiếp tục mạnh tay thoái vốn để tìm ra những “ông chủ” thực sự đối với tài sản/tài nguyên quốc gia. Cần mạnh dạn áp dụng phương thức “đấu giá” để tìm ra những người thực tài, những tổ chức có thực lực và uy tín, giao quyền đầy đủ để họ sử dụng và làm giàu thêm tài sản Nhà nước. Đặt các doanh nghiệp Nhà nước vào môi trường cạnh tranh tự do, hội nhập, đưa tiêu chí bảo tồn và phát triển vốn nhà nước hằng năm trở thành tiêu chí bắt buộc để được Nhà nước đặt hàng, xem xét áp dụng chính sách tài trợ hoặc ưu đãi khác. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Paul Samuelson từng cho rằng, để quản lý tốt nền kinh tế thì nhất thiết phải có vai trò của cả Nhà nước và thị trường, như thể “Vỗ tay bằng hai bàn tay”. Tương tự như vậy, để quản lý tài sản Nhà nước hiệu quả thì phải huy động sức dân, đông tay vỗ nên kêu, chứ một mình Nhà nước thì chắc chắn không thể làm nổi.
TÂM DÂN